Như Thị

● 如是 . Thông thường dịch là như thế, đúng thế, chỉ cho bình thường tâm thị đạo (tâm bình thường là đạo). Theo cách giải thích của tông Thiên Thai, “Như Thị” trong Thập Như Thị diễn tả ý nghĩa hết thảy đều viên dung, xét về bản thể là một. Hiểu đơn giản, Tướng là sự biểu hiện, sự tướng; Tánh là không biến đổi, tức bản tánh nội tại của vật. Thể là bản chất thật sự của Tánh và Tướng (Tánh và Tướng chỉ là hai khía cạnh của Thể, tùy theo nhìn từ góc độ nào), Lực là tác dụng, năng lực của Thể, Tác là biểu hiện, tạo tác của Lực, Nhân là nguyên nhân trực tiếp, Duyên là nguyên nhân gần giúp cho Nhân thành tựu, Bổn là tướng trạng ban đầu, Mạt là quả báo cuối cùng. Đẳng là bình đẳng. Nói cách khác, mười món Như Thị này nói lên trọn vẹn Thể, Tướng, Dụng của các pháp trong thế gian, không thiếu sót một điều nào. Tất cả hữu tình chúng sanh nói quy nạp đều thuộc về mười pháp giới. Trong mười pháp giới, mỗi pháp giới lại có mười pháp giới, nhân lên thành một trăm pháp giới nên gọi là Bách Giới. Con số một trăm này tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, trùng trùng vô tận. Trong một trăm giới đó, mỗi một pháp đều trọn đủ mười món Như Thị, nên thành ra một ngàn món Như Thị (thiên như). Do vậy, “bách giới thiên như” là một từ ngữ phiếm chỉ toàn bộ các pháp và mọi đặc tánh, mọi khía cạnh của chúng.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.