Sắc

● 色 e: forms. Tức là Sắc pháp (rupa-dharma), là tất cả các pháp thuộc vật chất, có hình thái, có chiếm một khoảng không gian, làm chướng ngại nhau, có tính biến hoại. Những pháp mặc dù không có hình tướng, nhưng có thể nhận biết bằng năm giác quan, cũng thuộc về sắc pháp. Cả Hữu bộ và tông Pháp Tướng đều phân tích sắc pháp gồm có 11 pháp, gồm có: năm căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), năm cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), và vô biểu sắc.

Sắc pháp tức là mọi loại sắc chất có đầy đủ trong chánh báo và y báo của chúng ta – trong thì có năm căn, ngoài thì có năm trần, cộng với “pháp xứ sở nhiếp sắc”( Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc: Tông Pháp Tướng chia vạn pháp trong vũ trụ thành năm nhóm tổng quát – thuật ngữ Duy Thức học gọi là “ngũ vị”, trong đó có nhóm Sắc pháp (là các pháp thuộc về vật chất, có hình sắc, có tính chất ngại, biến hoại). Nhóm Sắc pháp bao gồm 11 pháp, tức là 5 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), và pháp xứ sở nhiếp sắc.

Chữ “xứ” ở đây có nghĩa là trưởng dưỡng (tức sinh trưởng và dưỡng dục); có ý chỉ cho những gì có thể trưởng dưỡng tâm và tâm sở của chúng ta, lại cũng là nơi để cho tâm và tâm sở phan duyên, nương tựa. Những gì được gọi là “xứ” đó, có cả thảy 12 thứ mà thuật ngữ Duy Thức học gọi là “mười hai xứ”, gồm có 6 căn và 6 cảnh: nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, sắc cảnh, thanh cảnh, hương cảnh, vị cảnh, xúc cảnh, và pháp cảnh. (Nếu thay những chữ “căn” và “cảnh” bằng chữ “xứ”, chúng ta sẽ có 12 xứ là: nhãn xứ, nhĩ xứ, tị xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ, sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, và pháp xứ.) Vậy, PHÁP XỨ tức là PHÁP CẢNH. Nhưng chỗ khác nhau là, khi dùng từ “pháp cảnh” là có ý nhấn mạnh rằng, đó chính là đối tượng khách quan của tác dụng nhận thức phát khởi từ chủ thể ý căn; còn khi dùng từ “pháp xứ” là có ý nói rõ rằng, chính nó và 11 xứ kia là những gì có thể trưởng dưỡng tâm và tâm sở, lại cũng là nơi để cho tâm và tâm sở nương tựa, phan duyên. Tất cả những gì nằm trong phạm vi sắc pháp, hễ thống thuộc vào pháp xứ, thì gọi là “pháp xứ sở nhiếp sắc”.

Vậy, pháp xứ sở nhiếp sắc bao gồm những gì? Theo A Tì Đạt Ma Tạp Tập Luận và Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương (do Phật Quang Đại Từ Điển trích dẫn), pháp xứ sở nhiếp sắc bao gồm 5 lĩnh vực như sau:

1) Cực lược sắc: tức sắc pháp cực vi, là tất cả mọi thứ vật chất có tính chất ngại như 5 căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân), 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và 4 đại (địa, thủy, hỏa, phong), đem chia chẻ ra cho tới lúc đạt được đơn vị nhỏ nhất (cực vi).

2) Cực hồi sắc: cũng gọi là tự ngại sắc, là những loại hiển sắc không có tính chất ngại, như hư không, ánh sáng và bóng tối, đem chia chẻ ra cho tới đơn vị cực vi.

3) Vô biểu sắc: là loại sắc pháp vô hình trong tự thân, được phát sinh bởi hai nghiệp thiện ác do thân miệng phát động, không biểu hiện ra ngoài để có thể trông thấy; ví như do sự hành trì giới luật, dẫn tới sự sinh khởi trong tự thân một loại tác dụng tinh thần có tính “ngừa sai quấy, ngăn xấu ác”. – Vì nó được xem là do bốn đại trong tự thân tạo thành, cho nên được liệt vào sắc pháp.

4) Biến kế sở khởi sắc: Ý thức duyên năm căn và năm cảnh mà phát sinh tác dụng kế độ, phân biệt một cách hư vọng, rồi biến hiện thành các ảnh tượng trong tâm; đó là loại sắc pháp này. Nói tóm tắt, biến kế sở khởi sắc là loại sắc pháp chỉ gồm toàn các ảnh tượng trong ý thức (tức pháp cảnh), không có thực chất.

5) Định tự tại sở sinh sắc: nói tắt là định sở sinh sắc, chỉ cho các cảnh như sắc, thanh, hương, v.v… do định lực biến hiện ra. Những loại sắc pháp này, vì do định lực thù thắng, biến hiện một cách tự tại đối với tất cả các sắc, nên gọi là định tự tại sở sinh sắc. Nhưng, cả phàm và thánh đều có thể biến hiện các loại sắc pháp như vậy, cho nên cần phải phân biệt chân giả. Nếu do định lực của phàm phu biến hiện thì đó là giả sắc, không thể sử dụng; nếu do định lực của bậc thánh nhân (Bồ-tát ở địa thứ tám trở lên) với đầy đủ uy đức thù thắng biến hiện, thì đó là thật sắc, có thể sử dụng – như biến hiện đất cát thành ra vàng bạc cơm nước, v.v… để cứu giúp chúng sinh.

Theo cái nhìn của Duy Thức học đối với năm loại sắc vừa kể trên, bốn loại đầu (cực lược sắc, cực hồi sắc, vô biểu sắc, biến kế sở khởi sắc) đều là “giả sắc”; còn loại sau cùng (định sở sinh sắc) thì vừa là giả, vừa là thật; bởi vì, định lực của thánh nhân có đầy đủ uy đức thù thắng, đó là loại định lực vô lậu, cho nên những sắc pháp từ đó biến hiện ra đương nhiên đều là “thật sắc”. Nhưng, nếu cứ theo quan điểm của các bộ phái tiểu thừa, như Hữu bộ chẳng hạn, thì cả năm loại sắc ở trên đều là thật sắc), cả thảy là 11 pháp

This entry was posted in . Bookmark the permalink.