Tam Bảo

● (Nh. Sambo, Triratna (S), Trois Joyaux, Trinité bouddhique (F) Ba ngôi quý báu là chư Phật, tôn Pháp và Hiền Thánh Tăng. Nền móng của Phật Giáo là Tam Bảo (ba thứ quý). Không tin và không tôn kính Tam Bảo thì không thể nào có được nếp sống Phật Giáo. Trong Đại Thừa, Tam Bảo được hiểu một cách rộng rãi hơn trong Tiểu thừa. Tiểu thừa chỉ hiểu đơn giản Tam Bảo là Phật, Pháp, và Tăng. Xưa kia Tam Bảo là:

Nhất thể Tam Bảo (Nh. Ittai Sambo)

Hiện tiền Tam Bảo (Nh. Genzen Sambo)

Thọ Trì Tam Bảo (Nh. Juji Sambo).

Để tiện giải thích những cái trên được phụ phân, mặc dù sự thực chúng là một. Như thế,

* Nhất thể Tam Bảo gồm:

(1) Thứ nhất, Phật Tì-lô-xá-na biểu thị sự thể hiện của thế giới Tánh Không, của Phật Tánh, của Tánh Bình Đẳng vô điều kiện.

(2) Thứ hai là Pháp, tức Pháp của vô thỉ  vô chung mà tất cả mọi hiện tượng theo nhân duyên tùy thuộc vào đó.

(3) Thứ ba, sự tương hòa tương tác của hai yếu tố trên, tạo thành toàn bộ thực tại như những người đã giác ngộ kinh nghiệm.

* Hiện tiền Tam Bảo gồm:

(4) Thứ nhất, đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, người đã thể hiện nơi chính mình sự thật của Nhất thể Tam Bảo qua sự giác ngộ viên mãn của Ngài.

(5) Thứ hai là Pháp, gồm những bài thuyết pháp, những lời giảng dạy của Phật Thích-ca Mâu-ni trong ấy đã giải rõ ý nghĩa của Nhất thể Tam Bảo và con đường đưa đến thể hiện nó.

(6) Thứ ba, gồm các đệ tử trực tiếp của Phật Thích-ca Mâu-ni và các tín đồ khác trong thời của Ngài, đã nghe, tin và thực hiện nơi bản thân họ Nhất thể Tam Bảo mà Phật đã dạy.

* Thọ Trì Tam Bảo gồm:

(7) Thứ nhất là sự thờ cúng hình tượng các Phật như đã được truyền đến chúng ta.

(8) Kế tiếp là những bài thuyết giảng của chư Phật (tức những người đã giác ngộ viên mãn) như đã thấy trong các kinh và trong các bản văn Phật Giáo khác vẫn xiển dương.

(10) Cuối cùng, gồm các môn đệ đương thời tu tập và thể hiện chân lý cứu độ của Nhất thể Tam Bảo đầu tiên đã được Phật Thích-ca Mâu-ni khai thị.

Tam Bảo tương hệ và tương tùy. Một người không nhận ra Nhất thể Tam Bảo không thể hiểu sâu ý nghĩa sự Giác Ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, không thể đánh giá được sự quí giá vô cùng của những lời Ngài dạy, cũng như không thể ấp ủ hình ảnh chư Phật như những thực thể sinh động. Lại nữa, Nhất thể Tam Bảo sẽ không được biết đến nếu không được Phật Thích- ca Mâu-ni thể hiện nơi thân tâm Ngài, cũng như con đường thể hiện do Ngài triển khai. Cuối cùng, nếu không có những người giác ngộ theo Con Đường của Phật trong thời đại chúng ta khích lệ và dẫn dắt người khác theo Con Đường Tự Chứng Ngộ thì Nhất thể Tam Bảo chỉ là một lý tưởng xa xôi. Câu chuyện cổ tích và cuộc đời của đúc Thích-ca Mâu-ni sẽ là những câu chuyện lịch sử khô héo và những lời Phật dạy sẽ là những chuyện trừu tượng vô sinh khí. Hơn nữa, khi mỗi chúng ta thể hiện Nhất thể Tam Bảo, thì nền móng của Tam Bảo không gì khác hơn chính Tự Tánh mình.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.