Thập Nhất Diện Quán Âm

● (Ekādaśa Mukhānām Avalokiteśvara) là một trong sáu hóa thân được tôn sùng nhất của ngài Quán Âm. Với hóa thân này, Ngài đặc biệt cứu vớt chúng sanh trong loài A Tu La, ban bố lợi ích trừ bệnh, diệt tội, tăng phước trong đời hiện tại. Hiện thời, trong Đại Tạng có ba bộ kinh nói về hóa thân này là Thập Nhất Diện Quán Âm Thần Chú Kinh do ngài Da Xá Quật Đa dịch vào năm Bảo Định thứ 4 (564) đời Bắc Châu và quyển thứ tư trong bộ Đà La Ni Tập Kinh do ngài A Địa Cù Đa dịch vào năm Vĩnh Huy thứ 4 (653) đời Đường. Ngài Huyền Trang cũng dịch Thập Nhất Diện Thần Chú Tâm Kinh vào năm Hiển Khánh nguyên niên (656) đời Đường. Thật ra, cả ba bản này đều là bản dịch khác nhau của một hội trong bộ Đại Kim Cang Đạo Tràng Kinh. Ngài Bất Không có dịch một nghi quỹ niệm tụng là Thập Nhất Diện Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm Mật Ngôn Niệm Tụng Nghi Quỹ. Bản kinh này giảng rõ các nghi thức niệm tụng, kết giới, cách vẽ tượng, các phương pháp cúng dường v.v… Theo các sớ giải, với hóa thân này, Đại Sĩ có mười một mặt, mười mặt phía dưới được xếp thành ba tầng tượng trưng cho mười phương và ba đời, đồng thời biểu thị Đại Sĩ đã vượt khỏi Thập Địa, một mặt trên cùng là mặt A Di Đà Phật, biểu thị Đại Sĩ đã thật sự chứng Phật quả. Thân tượng Thập Nhất Diện có nhiều tay, cầm tịnh bình, cành dương liễu, Nhật Tinh Ma Ni, bảo châu, chĩa ba, bảo bát, xâu chuỗi, dây quyến sách, hoa sen, gậy đầu lâu, kết các ấn như Thí Vô Úy, Dữ Nguyện v.v… Đa phần các tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn được thờ hiện thời đã kết hợp giữa tượng ngàn mắt ngàn tay và Thập Nhất Diện này.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.