Tông Tam Luận

● Còn được gọi bằng nhiều tên khác như Vô Tướng, Không, Bát Nhã, Trung Quán, Gia Tường, v.v…, do đại sư Gia Tường Cát Tạng khai sáng. Là một trong 13 tông phái của Phật giáo Trung-quốc. Tông này y cứ vào giáo nghĩa của ba bộ luận là Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận để làm cơ sở lập tông, xiển dương nghĩa lí không, vô tướng và bát bất trung đạo. Tông Tam Luận vốn có nguồn gốc từ Ấn-độ, bởi vậy, trong bộ Tam Luận Tổ Sư Truyện Tập đã liệt kê 6 vị tổ ban đầu của tông này ở Ấn-độ là: Đức Thế Tôn, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Mã Minh, Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát Ca Na Đề Bà, và Bồ-tát La Hầu La Bạt Đà La. Vào cuối thế kỉ thứ 2 và đầu thế kỉ thứ 3 TL, ngài Long Thọ ở Nam Ấn-độ đã trước tác hai bộ luận quan trọng là Trung Luận và Thập Nhị Môn Luận, khai mở nền móng cho tông này. Môn hạ của ngài Long Thọ là ngài Ca Na Đề Bà đã tạo bộ Bách Luận, hợp với hai bộ Trung Luận và Thập Nhị Môn Luận ở trên, làm thành ba bộ luận căn bản của tông Tam Luận. Rồi các ngài La Hầu La Bạt Đà La, Thanh Mục, Bà Tẩu, Phật Hộ, Vô Trước, An Tuệ, Thanh Biện, Hộ Pháp, Nguyệt Xứng, v.v… có đến hơn 70 vị luận sư trước sau viết các tác phẩm liên quan đến ba bộ luận trên, làm cho tông Tam Luận rất thịnh hành ở Ấn-độ vào khoảng thời gian mấy thế kỉ đó.

Đầu thế kỉ thứ 5, ngài Cưu Ma La Thập đến Trường-an (kinh đô của nhà Diêu-Tần), đã dịch nhiều tác phẩm của hai ngài Long Thọ và Đề Bà (như Đại Phẩm Bát Nhã, Đại Trí Độ Luận, Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, v.v…), đặt định cơ sở cho sự hình thành tông Tam Luận ở Trung-quốc. Môn hạ của ngài Cưu Ma La Thập có đến 3.000 người, nhưng được kể vào hàng cao túc thì có 10 vị, đó là các ngài Tăng Triệu, Đạo Sinh, Tăng Duệ, Đàm Ảnh, Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, Tăng Lược, Đạo Hằng, Đạo Tiêu, và Đạo Dung. Trong số này, các ngài Tuệ Quán, Đạo Sinh và Tăng Duệ hoằng pháp ở vùng Giang-nam; các ngài Tăng Triệu, Đàm Ảnh và Đạo Dung hoằng pháp tại vùng Quan-trung; đã tạo thành hai học phái Nam và Bắc của tông Tam Luận. Trải qua 80 năm (kể từ năm 401, ngài La Thập đến Trường-an), vì thiếu nhân tài thừa kế, nên phái Bắc bị thất truyền; còn phái Nam thì bị phong trào học Thành Thật Luận áp đảo, cũng không phát triển được.

Trong 10 vị cao đồ của ngài Cưu Ma La Thập, có 4 vị xuất sắc hơn cả, được người đời xưng là “tứ thánh”, hay “tứ kiệt”, đó là các ngài Tăng Triệu, Đạo Sinh, Tăng Duệ, và Đạo Dung. Lại trong bốn vị này, ngài Đạo Sinh (355-434) đã được chọn kế thừa tổ nghiệp của ngài Cưu Ma La Thập (viên tịch vào năm 413). Sau đó, ngài Đạo Sinh truyền cho Đàm Tế (411-475); ngài Đàm Tế truyền cho Đạo Lãng (Tăng Lãng, ?-?); ngài Đạo Lãng truyền cho Tăng Thuyên (?-?); ngài Tăng Thuyên truyền cho Pháp Lãng (507-581); ngài Pháp Lãng truyền cho Cát Tạng (549-623); cổ lai thường gọi 7 vị cao tăng trên (La Thập, Đạo Sinh, Đàm Tế, Đạo Lãng, Tăng Thuyên, Pháp Lãng, và Cát Tạng) là “thất đại tương thừa” của tông Tam Luận.

Ngài Cát Tạng quê ở Kim-lăng, theo học với ngài Pháp Lãng từ lúc mới lên 7 tuổi. Trong tuổi niên thiếu, ngài đã thấu suốt huyền nghĩa kinh điển của cả tiểu lẫn đại thừa. Năm 33 tuổi (năm 581) ngài trú trì chùa Gia-tường (huyện Cối-kê, tỉnh Triết-giang). Tại đây ngài vừa trước tác, vừa giảng thuyết, cực lực xiển dương tông Tam Luận. Tác phẩm của ngài có hơn mười bộ, đã tập đại thành giáo nghĩa của tông Tam Luận, khiến cho trong khoảng thời gian 43 năm này (581-623, tức từ khi ngài kế thế tổ Pháp Lãng cho đến khi ngài viên tịch) đã trở thành là thời kì hoàng kim của tông Tam Luận. Thời đại ngài Cát Tạng cũng đồng thời là một cái mốc phân chia tông Tam Luận thành hai giai đoạn: Từ ngài Cưu Ma La Thập cho đến ngài Cát Tạng, gọi là “Cựu Tam Luận tông”; từ ngài Cát Tạng về sau gọi là “Tân Tam Luận tông”. Nhưng từ sau ngài Cát Tạng, những vị thừa kế không có ai là người xuất sắc, đã không chịu nổi với sức bành trướng của các tông phái khác (như Thiền, Duy Thức v.v…), cho nên từ trung diệp nhà Đường trở đi, tông Tam Luận đã dần dần mai một.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.