● (Tên đầy đủ là Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư). Là một bộ sách tập thành vĩ đại nhất những tác phẩm đặc sắc nhất trong lịch sử học thuật Trung Quốc, được biên soạn dưới đời nhà Thanh theo lệnh của vua Càn Long, đứng đầu nhóm biên soạn là Kỷ Quân và Lục Tích Hùng kể từ năm Càn Long 38 (1773), phải mất 9 năm ròng rã mới hoàn thành.
Gọi là Tứ Khố vì sách được chia thành bốn thể loại chính: Kinh, Sử, Tử, Tập. Sách này gồm hơn 10.000 bản thảo từ thời Tiên Tần (trước đời Tần Thủy Hoàng) cho đến những năm đầu đời Thanh. Bộ sách này dày đến 2,3 triệu trang sách và khoảng 800 triệu chữ. Tất cả gồm 3.503 tác phẩm, chia thành 36.304 quyển, gần 320 loại.
Do Tứ Khố Toàn Thư quá lớn, tuổi đã cao, không thể nào có thời gian đọc hết, vua Càn Long hạ lệnh cho triều thần biên soạn một bộ sách khác, có thể nói đơn giản là tóm tắt nội dung trọng yếu của những sách được thâu thập trong Tứ Khố Toàn Thư. Công trình này Mẫn Trung và Vương Tế Hoa làm chủ biên, và cũng được chia thành bốn phần Kinh, Sử, Tử, Tập. So với Tứ Khố Toàn Thư, công trình này có giá trị cao hơn vì được biên tập thận trọng và giảo chánh tỉ mỉ hơn.
Ngoài những tác phẩm kinh điển của Nho Gia như Tứ Thư, Ngũ Kinh, còn có những tài liệu vô cùng giá trị như Tư Trị Thông Giám, Thủy Kinh Chú, Quốc Ngữ, Bản Thảo Cương Mục, kể cả những tác phẩm của Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ và các nhà truyền giáo Âu Châu cũng được thu thập. Công việc biên soạn được giao cho một cơ quan mệnh danh là Tứ Khố Toàn Thư Quán, vua sai hoàng tử thứ 15 là Vĩnh Dung làm Tổng Giám Tu, sai quận chúa Vu Mẫn Trung làm Tổng Tài, sai các đại học sĩ, thượng thư, thị lang thuộc sáu bộ làm phó tổng tài. Các học giả nổi tiếng thời ấy như Lục Tích Hùng, Tôn Sĩ Nghị, Đới Chấn, Châu Vĩnh Niên v.v… đều tham gia biên soạn. Số người tham dự chánh thức lên đến 3.600 người, nhân viên sao chép lên đến 3.800 người. Điểm đặc sắc của Tứ Khố Toàn Thư là bao gồm toàn bộ những tác phẩm trọng yếu trong bộ Vĩnh Lạc Đại Điển của thời Minh. Sau khi hoàn thành, sách được chép thành bảy bộ, chia ra cất giữ ở bảy nơi như Văn Uyên Các trong Tử Cấm Thành, Văn Nguyên Các thuộc vườn Viên Minh, Văn Sóc Các thuộc Cố Cung Phụng Thiên, Văn Tông Các thuộc chùa Kim Sơn ở Trấn Giang v.v… Năm Càn Long 52 (1781), vua đọc bộ này, phát hiện có những tác phẩm chê bai Thanh triều, bèn ra lệnh tái thẩm tra Tứ Khố Toàn Thư, bỏ đi 11 bộ sách trong ấy. Năm Gia Khánh thứ 8 (1803), Kỷ Hiểu Lam lại vâng lệnh nhuận sắc, bổ túc sai sót, tạo thành bản hoàn chỉnh. Khi liên quân Anh Pháp tấn công Bắc Kinh năm 1860, vườn Viên Minh bị đốt trụi. Loạn quân Thái Bình Thiên Quốc lại đốt cháy gác Văn Tông, Văn Hội ở Hoa Nam. Như vậy, ba bộ Tứ Khố Toàn Thư bị thiêu hủy. Ngày nay chỉ còn được ba bộ hiện đang lưu giữ tại Đài Bắc Cố Cung Bác Vật Viện (viện Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc), nhưng chỉ có một bộ hoàn chỉnh (theo Wikipedia).