● Hành ấm lưu chuyển vi tế, động mà như là chẳng động, gọi là “u ẩn”.Đó là một trong năm thứ vọng tưởng được đức Phật dạy rõ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Theo Kinh này, gốc rễ của năm ấm (năm uẩn) đều là vọng tưởng – hay nói chính xác hơn, năm ấm tức là năm thứ vọng tưởng, gồm có:
1.Vọng tưởng kiên cố: tức là sắc ấm. Sắc ấm là thân thể con người, do bốn đại hòa hợp làm thành. Khi thức vừa khởi động thì liền phát sinh ý tưởng; tưởng sinh thì mạng căn được thành lập; mạng lập thì liền đầy đủ bốn đại. Cho nên, ba thứ thức, tưởng và mạng đã kết hợp mà hình thành con người. Ý tưởng mong cầu có được điều này điều nọ, gọi là “vọng tưởng”; các pháp có tướng trạng, có ngăn ngại, gọi là “kiên cố”. Do vọng tưởng muốn có mạng sống cho nên mới có sắc thân; sắc thân đã có thì muốn cho bền chắc lâu dài. Sắc thân đã có cho nên có ngăn ngại, có chấp ngã và ngã sở, có ngã ái, ngã mạn v.v…; đó gọi là “vọng tưởng kiên cố”.
2.Vọng tưởng hư minh: Chữ “hư” nghĩa là trống, tức không đầy; chữ “minh” nghĩa là biết. Vì “hư” cho nên lãnh nạp được; vì “minh” cho nên biết có cảm giác; bởi đó, “hư minh”là chỉ cho thọ ấm. Chúng sinh do ý tưởng tham cầu mong muốn mà sinh tâm yêu thích cái gì tốt đẹp, thuận ý, có lợi, đó gọi là “cảm thọ vui” (lạc thọ); và chán ghét cái gì xấu xa, nghịch ý, bất lợi, đó gọi là “cảm thọ khổ” (khổ thọ). Như vậy, thọ ấm vốn là hư vọng, không có thật thể, cho nên gọi là “vọng tưởng hư minh”, là tác dụng của năm thức trước (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân).
3.Vọng tưởng dung thông: tức là tưởng ấm. “Dung thông” nghĩa là dung hợp nhau, thông suốt nhau, không chướng ngại. Niệm tưởng thì vô hình, nhưng có thể sai sử sắc thân hữu hình. Tâm nghĩ gì thì thân thể liền lay động đáp ứng theo, cả lúc thức lẫn trong lúc ngủ; đó là do cái tưởng dung thông, cho nên tưởng ấm được gọi là “vọng tưởng dung thông”, là tác dụng của ý thức.
4.Vọng tưởng u ẩn: tức là hành ấm. Thân thể chúng sinh niệm niệm biến chuyển, không giờ khắc nào ngừng nghỉ; và sự biến chuyển ấy vô cùng vi tế, thâm u, ẩn mật, ta không biết được. Cho nên hành ấm được gọi là “vọng tưởng u ẩn”, thuộc phạm vi của thức mạt-na.
5. Vọng tưởng điên đảo:tức là thức ấm. Thức ấm ở đây chính là thức a-lại-da, bản thể của vạn pháp. Thức thể này vi tế, tinh thuần, trong lặng, giống như chân tánh bản giác, nhưng thật ra không phải là chân tánh bản giác; vì chân tánh bản giác thì rời khỏi mọi sự thấy nghe hay biết, còn thức này thì luôn luôn nhận sự huân tập của thấy nghe hay biết, niệm niệm không dừng. Bản chất của thức vốn hư vọng, nhưng chúng sinh phàm phu thì cho đó là mạng căn, hàng Nhị-thửa thí lấy đó làm Niết Bàn. Lấy không làm có, cho cái hư vọng là chân thật, không thấy được sự trôi chảy bất tận mà cứ cho là trong lặng không lay động, cho nên gọi thức ấm là “vọng tưởng điên đảo”.