Y Huấn

● Là tên một thiên sách của Y Doãn. Theo thiên Thương Thư trong kinh Thư, nhân ngày giỗ vua Thành Thang vào tháng Chạp, Y Doãn giáo huấn các quan, trong đó có câu: ‘Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương’ (làm điều lành thì trăm điều tốt lành giáng xuống, làm điều chẳng lành thì trăm tai ương giáng xuống). Bài răn ấy được gọi là Y Huấn (giáo huấn của ông Y Doãn), và thường được biết đến dưới danh xưng ‘Y Huấn chi bách tường’. Y Doãn (1648-1549 trước Công Nguyên) tên thật là Chí, Doãn có nghĩa là Hữu Tể Tướng; do kính trọng nên không gọi tên mà gọi bằng chức vụ. Y Doãn vốn là nô lệ bồi giá của Sân thị (khi xưa, cô dâu về nhà chồng thường mang theo nô lệ, những nô lệ ấy được gọi là “nô lệ bồi giá”), giữ nhiệm vụ nấu ăn. Khi Sân thị được gả cho vua Thành Thang (Thương Thang), Y Doãn nhân cơ hội dâng cơm cho Thương Thang liền phân tích tình thế thiên hạ, rất được Thương Thang tán thưởng, bèn xóa bỏ thân phận nô lệ cho Y Doãn, phong cho ông ta làm Tể Tướng. Năm 1600 trước Công Nguyên, với sự phù tá của Y Doãn, Thương Thang diệt nhà Hạ, thành lập nhà Thương. Y Doãn tận lực chỉnh đốn chính thể, hiểu cặn kẽ dân tình nên nhà Thương lúc ấy rất cường thịnh. Khi Thành Thang mất, con là Thái Giáp kế vị, vốn là kẻ bất tài, hôn ám, nên trong giỗ đầu của tiên vương, Y Doãn đã nêu lên bài huấn dụ này để răn nhắc đương kim hoàng thượng. Do Y Doãn dùng đủ mọi biện pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo uốn nắn nhà vua, Thái Giáp nổi giận, đày Y Doãn sang đất Đồng ba năm (có sách chép là bảy năm). Về sau, Thái Giáp hối hận, rước về, và tuân theo lời chỉ dạy của Y Doãn, bèn trở thành một bậc minh quân.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.