Vu Công sinh vào thời nhà Hán, người quận Đông Hải,[i] giữ chức quan coi việc xử án trong huyện. Quận Đông Hải có người thiếu phụ góa chồng hết sức hiếu thảo, quyết lòng ở vậy thủ tiết thờ chồng, nuôi dưỡng mẹ chồng vô cùng chu đáo. Mẹ chồng thương, sợ mình làm cản trở việc tái giá của con dâu, liền treo cổ tự vẫn. Đứa con gái bà lại vu cáo rằng cô con dâu đã bức tử mẹ chồng. Người góa phụ kia không sao tự mình biện bạch.
Vu Công biết là án oan, cố sức bảo vệ, nhưng quan thái thú khi ấy chẳng nghe lời. Người góa phụ bị xử tội chết. Liền sau đó quận Đông Hải bị hạn hán suốt 3 năm.
Nhân khi có quan thái thú mới đến thay, Vu Công mang vụ án oan trình lên. Quan thái thú nhờ ông đến trước mộ người góa phụ hiếu thảo bị oan mà cúng tế. Ngay sau đó trời đổ mưa lớn.
Vu Công làm việc, mỗi khi đưa ra nhận định, phán đoán quyết án đều được người dân kính phục nghe theo. Cổng lớn nhà ông bị đổ, các vị phụ lão hương thân cùng kéo đến bàn việc xây lại. Vu Công nói: “Nên làm cổng sao cho xe bốn ngựa sau này có thể đi qua được.[ii] Ta giữ việc xử án, tích chứa nhiều âm đức, chưa từng quyết xử oan uổng, con cháu sau này ắt phải hưng thịnh.”
Sau con trai ông có công lớn với nước nhà, quả nhiên làm đến chức Thừa tướng, được phong tước Bình Tây Hầu, con cháu đời đời được nối truyền giữ chức Ngự sử Đại phu.
[i] Thuộc Đàm huyện, ngày nay là Đàm thành thuộc tỉnh Sơn Đông. Cách phân chia địa giới hành chánh của Trung Hoa thời ấy là mỗi tỉnh chia thành các huyện, mỗi huyện chia thành các quận.
[ii] Xe do bốn ngựa kéo là loại xe lớn, xưa chỉ các quan chức bậc cao, nhà quyền thế mới có được. Nhà Vu Công khi ấy không có xe bốn ngựa, nhưng ông tin rằng mình làm nhiều việc thiện, lợi lạc dân chúng, tích chứa âm đức, nên con cháu sau này chắc chắn sẽ được hưng thịnh như thế.