Hỏi:
Thiền phải đến chỗ vắng vẻ, không cho mắt chạy theo cảnh, không cho tai chạy theo tiếng, đó là phương pháp bớt thâu chủng tử mới để có thì giờ loại những chủng tử cũ. Tại sao Thiền tông nói là định ở trong động?
Đáp:
Thiền tông có một câu là “bất phá trùng quan, bất bế quan”. Người Việt gọi bế quan là nhập thất, tức là nhốt mình ở trong phòng, không có tiếp xúc với ai. Đã ngộ (phá trùng quan) mới cho bế quan, bế quan là để bảo nhậm dứt trừ tập khí. Nếu chưa ngộ mà nhập thất rất có hại.
Có một Thầy ở trên núi, nuôi một đứa bé một tuổi; ở trên núi chỉ có hai thầy trò, nuôi đứa bé trai đến 20 tuổi không có gặp người nào khác, chỉ thấy các con thú rừng.
Một ngày, Thầy dẫn đứa bé xuống chợ chơi, đứa bé thấy mọi thứ đều hỏi, Thầy đều trả lời.
Đứa bé thấy con gái rồi hỏiThầy: đây là gì vậy?
Thầy trả lời: đây là con cọp chợ, nếu mày gần nó có thể bị hại hơn cọp trên núi.
Đi chơi về, qua hai ngày sau, Thầy muốn thử đứa bé, hỏi: Trong cuộc đi chơi, mày có thấy cái gì thích nhất không?
Đứa bé đáp: Tất cả con không thích, nhưng chỉ thích con cọp chợ.
Công án này chứng tỏ mắt không tiếp xúc cảnh nên niệm thích không nổi lên. Đứa bé từ hồi nhỏ đến lớn không tiếp xúc với con gái, nhưng tập khí từ kiếp trước có sẵn, khi tiếp xúc thì tâm nổi lên ham thích. Vậy làm sao nhập thất cho là tu!
Theo kinh nghiệm của tôi thấy những người chưa vô thất thì tốt hơn, khi vô thất được một thời gian rồi ra thất càng tệ hơn nhiều. Bởi vì tâm đè nén một thời gian, lúc gặp cảnh bộc phát ra rất mạnh. Không được tránh cảnh mà tu, nên Thiền tông có câu “bất phá trùng quan, bất bế quan”, tức là chưa ngộ không cho nhập thất.