Vào đời nhà Thanh, niên hiệu Quang Tự năm thứ hai và thứ ba, nhiều tỉnh miền Bắc Trung Hoa bị nạn hạn hán lớn. Tại Úy Châu có vị tăng tu Tịnh độ, pháp hiệu có chữ Liên. Ông sống trong một miếu nhỏ bên ngoài thôn xóm. Một hôm, có người dân đói ở Sơn Đông đột nhiên xông vào miếu, quát la rằng đói quá, đòi ăn cơm. Vị tăng nói: “Cơm tôi đã ăn hết rồi, không còn dư chút nào cả.” Người ấy vẫn đòi hỏi, thúc bách rất gấp, vị tăng liền nói: “Được rồi, tôi sẽ nấu cho ông một ít.”
Vị tăng ấy hành trì mỗi thời khóa niệm Phật trong ngày là sáu vạn câu Phật hiệu. Vì thế, miệng tuy đã hứa nấu cơm nhưng vẫn còn muốn tiếp tục niệm cho xong chuỗi hạt đủ số. Người kia thấy vậy, trong ý cho rằng vị tăng không muốn nấu cơm cho mình ăn, giận quá liền cầm một cái búa trở ngược bề sống đập mạnh vào đầu vị tăng, khiến ông té nhào xuống. Người kia vẫn chưa thôi, chộp lấy cái vá múc than, múc vào chỗ vết thương ấy, múc ra hai vá cả thịt lẫn não, vùi trong bếp than rồi mới hả giận bỏ đi.
Vị tăng khi ấy hôn mê bất tỉnh. Hồi lâu dần tỉnh lại, cố gắng bò đến chỗ đại hồng chung, khua liền một hồi mấy chục tiếng lớn. Trong thôn ấy, mỗi khi có việc quan vẫn thường dùng tiếng đại hồng chung làm hiệu lệnh triệu tập, nên mọi người nghe tiếng chuông liền kéo nhau đến miếu, thấy vị tăng đã nằm bất động ở chỗ bị đánh, máu chảy lênh láng quanh đó, lại thấy đoạn đường từ trong miếu đến chỗ đại hồng chung cũng đầy vết máu. Xem kỹ thấy vị tăng vẫn còn thở, liền đỡ dậy lay gọi. Vị tăng tỉnh lại, nói: “Tôi bị người ta đánh.”
Dân làng lập tức cử ra mấy chục người, chia nhau bốn hướng đuổi tìm, cuối cùng bắt được người kia. Ông ta nhận tội, xin đền mạng. Khi giải người ấy về đến miếu, vị tăng liền nói: “Tôi với người này đời trước nhất định từng có thù oán, nên hôm nay ông ta mới đánh tôi. Nay nếu các vị làm khó cho ông ta, chẳng phải đã khiến tôi chịu đánh vô ích rồi sao? Vì như thế chẳng những không giải trừ được oán thù ngày trước, lại còn gây thêm mối thù oán hôm nay. Tôi không thể nào chịu được sự thiệt thòi như vậy. Hiện tôi còn được một ngàn đồng, xin đưa ông ấy rồi thả cho đi.”
Không lâu sau, vết thương trên đầu vị tăng đã lành, chỗ ấy vẫn cứng chắc như bình thường không khác. Chỉ có điều cả đỉnh đầu không còn mọc sợi tóc nào nữa, mà chung quanh chỗ vết thương vẫn còn nhìn thấy sẹo. Quả là một sự việc hết sức lạ thường!
Vào niên hiệu Quang Tự năm thứ 13, Ấn Quang tôi cùng với sư đệ của vị tăng ấy, pháp hiệu Liên Như, đi từ núi Hồng Loa đến núi Ngũ Đài, trên đường về ghé qua ngôi miếu của vị tăng ấy. Lúc đó ngài đã được hơn sáu mươi tuổi, dung mạo rỡ ràng dường như tỏa sáng, vừa thoáng nhìn đã biết ngay là bậc chân tu. Thầy Liên Như lấy tay chỉ rõ chỗ vết thương trên đỉnh đầu sư huynh, kể lại sự việc này cho Ấn Quang được nghe. Nay xin được ghi thêm vào sách Tây quy trực chỉ này, nhằm giúp thêm việc khai mở và củng cố niềm tin.
Năm Dân quốc thứ 11
Thích Ấn Quang kính ghi