Bờ Sông – Gỗ – Con Dòi

Ajahn Chah

BỜ SÔNG

Một bên là yêu thương và bên kia là ghét bỏ, hoặc bờ này là hạnh phúc và bờ bên kiakhông hạnh phúc. Theo trung đạo thì yêu, ghét, hạnh phúc, đau khổ, chỉ là những cảm giác thuần túy.

Một khi đạt được sự hiểu biết này, tâm sẽ không còn dễ bị lôi cuốn, không còn bị dính mắc vào các cảm giác đó nữa. Đấy là sự thực hành để hiểu rõ tâm không nuôi dưỡng bất kỳ cảm giác nào cũng không chấp giữ, dính mắc vào chúng, được như thế, tâm sẽ tự do trôi xuôi theo dòng nước, không gặp một chút chướng ngại nào, cuối cùng trôi vào đại dương Niết bàn.

 GỖ 

Nếu bạn không chịu bỏ thì giờ huấn luyện tâm mình thì tâm sẽ giữ mãi đặc tính hoang dã mê muội, thuận theo bản tánh tự nhiên của nó. Bạn có thể huấn luyện để bản tánh này thay đổi và đem lại lợi ích. Hãy lấy cây ra làm thí dụ so sánh. Nếu ta chỉ để cây ở trong trạng thái thiên nhiên thì ta chẳng bao giờ có được căn nhà làm bằng gỗ. Cũng không thể dùng gỗ để làm các vật liệu kiến trúc hay các vật dụng trong nhà. Tuy nhiên nếu muốn làm nhà, người thợ cất nhà phải tìm cây ở trạng thái thiên nhiên và họ sẽ cưa xẻ cây để cất nhà. Trong một thời gian ngắn người thợ có thể cất được căn nhà.

Hành thiền và phát triển tâm cũng tương tự như vậy. Bạn phải sửa đổi huấn luyện tâm mình như đốn cây thiên nhiên trong rừng và chế biến thành vật hữu dụng. Phải huấn luyện tâm để tâm trở nên tinh tế hơn, chánh niệm, tỉnh thức và nhạy bén hơn.

 CON DÒI

An vui hạnh phúc không tùy thuộc vào chuyện chúng ta giao tiếp nhiều hay ít người trong xã hội này. An vui, hạnh phúc chỉ đến từ chánh kiến. Khi bạn có chánh kiến, có sự hiểu biết đúng đắn thì an vui hạnh phúc sẽ đến. Nếu có sự hiểu biết đúng đắn thì bất kỳ sống ở nơi nào, bạn cũng cảm thấy hài lòng. Nhưng phần lớn chúng ta không có chánh kiến, không có sự hiểu biết đúng đắn. Người thiếu chánh kiến chẳng khác nào con dòi sống trong đống phân. Con dòi sống trong phân, lấy phân làm thực phẩm, phân là chỗ cư trú lý tưởng nhất. Nếu lấy cây khươi một con dòi ra khỏi đống phân, nó sẽ ngọ ngoạy và cố gắng trở về lại với đống phân.

Chúng ta cũng thế, thầy giáo dạy chúng ta hãy nhìn một cách đúng đắn nhưng chúng ta cảm thấy không hài lòng, chúng ta chỉ làm theo lời thầy trong chốc lát rồi lại vội vã trở về với thói quen cố hữu và quan kiến riêng của mình. Bởi vì chúng ta cảm thấy rằng chỉ có những thói quen và quan kiến này mới đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta. Nếu không nhìn thấy những hậu quả tai hại của tà kiến thì chúng ta không thể nào rời bỏ những quan kiến sai lầm này được.

Việc hành thiền thật khó khăn, bởi thế chúng ta cần phải lắng nghe lời dạy của thầy, loại bỏ sự hiểu biết sai lầm, loại bỏ sự chấp giữ quan kiến. Đó là những điều thiết yếu của chúng ta trong việc thực hành. Nếu có chánh kiến thì bất cứ đi đến nơi nào chúng ta cũng có an vui hạnh phúc.

Người dịch: Tỳ khưu Khánh H