Niết Bàn

● (Nirvana, Pari nirvana): Là tiếng dịch âm từ tiếng Phạn “nirvana”, là trạng thái đã dập tắt mọi phiền não, hoàn toàn vắng lặng; bởi vậy, nó đồng nghĩa với các từ “giải thoát”, “trạch diệt”, “li phiền”. Nguyên lai, từ “niết bàn” được dùng để chỉ cho trạng thái “lửa tắt” (hay “củi hết lửa tắt” – nghĩa là, con người khi thân xác và trí năng đều nguội lạnh thì tức là đã chết, giống như củi hết lửa tắt); về sau mới chuyển ra để dùng chỉ cho sự tận diệt lửa phiền não thiêu đốt và đạt tới trí tuệ siêu việt. Đó là cảnh giới giác ngộ, vượt thoát sinh tử, là mục đích thực tiễn tối hậu của Phật giáo. Như vậy, nguyên ý của từ niết bàn là chỉ cho sự thành đạo của đức Thế Tôn, nhưng về sau thì nó được dùng để chỉ sự chết của Ngài. Phật chết thì gọi là nhập niết bàn, nhập diệt, diệt độ, hay viên tịch. Gọi như vậy cũng không có gì mâu thuẫn, vì thật ra, “niết bàn” có hai loại:

A.Hai thứ Niết Bàn :

1) Hữu dư (y) niết bàn, tức là vô minh phiền não đã hoàn toàn đoạn diệt, chứng nhập đạo quả giải thoát giác ngộ trọn vẹn, nhưng vẫn còn nương vào nhục thể như là một phương tiện cụ thể, cần thiết và hữu hiệu để độ sinh; đó là trường hợp đức Phật từ lúc thành đạo cho đến trước giờ phút nhập diệt.

2) Vô dư (y) niết bàn, tức là khi cơ duyên hóa độ đã hết, Phật lìa bỏ nhục thân tứ đại, nhập vào cảnh giới hoàn toàn vắng lặng của pháp thân thường trú, lìa hết mọi tướng sinh, tử, phiền não, bồ đề v.v…; đó là lúc Phật nhập diệt. Trạng thái “niết bàn” của các vị thánh tăng cũng vậy. Điều đó cho thấy, “niết bàn” không phải là một cảnh giới vô hình ở một nơi bí mật xa xăm nào đó, dành cho những người tu hành đắc đạo, sau khi chết sẽ sinh về đó để sống an vui vĩnh viễn.

B.Bốn thứ Niết Bàn :

1) Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết Bàn : là tuy còn khách trần phiền não mà tự tánh thanh tịnh rỗng rang như hư không.

2) Hữu Dư y Niết Bàn : là đã dứt hết phiền não tuy còn dư cái thân hữu lậu mà lòng thường vắng lặng.

3) Vô dư y Niết Bàn : là khỏi sự khổ sanh tử, dứt hết phiền não cũng như Hữu Dư y Niết Bàn mà lại khỏi cái khổ quả của y thân nữa.

4) Vô trụ xứ Niết Bàn : là dứt hết sự ngăn ngại của cái sở tri. Phật đã dứt đặng sự ngăn ngại của cái sở tri đối với sanh tử Niết Bàn không có vui chán, và dùng sự lợi lạc mà dứt cái hữu tình đời vị lai.

Nói tóm lại chỉ có hai thứ Niết Bàn, Niết Bàn. Niết Bàn nghĩa là giải thoát viên mãn, người Hành Đạo giải thoát hết vọng tâm tà kiến không tạo nghiệp thì lúc còn sống ấy là Hữu Dư Niết Bàn còn sau khi thác là Vô dư Niết Bàn.

“Niết bàn” là trạng thái tâm linh của người khi đã đoạn trừ phiền não. Trong đời sống hằng ngày, nếu một người dứt trừ được tâm tham lam, người đó liền có được cái trạng thái niết bàn nho nhỏ. Nếu dứt trừ được thêm tâm sân hận, trạng thái niết bàn liền lớn hơn một tí… Nếu tham sân si vắng mặt được một phút thì hành giả có niết bàn được một phút… Cứ thế, phiền não càng ít đi thì niết bàn càng lớn lên; phiền não vắng mặt càng thường xuyên thì niết bàn có mặt càng thường xuyên; phiền não vắng lặng hoàn toàn và vĩnh viễn thì niết bàn sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu. Trạng thái niết bàn ấy ra sao, chỉ có người chứng nhập cảnh giới ấy mới biết được; không thể diễn tả bằng ngôn từ, không thể hình dung bằng suy tưởng, cũng không thể trao truyền hay chia sẻ cho nhau cùng hưởng

This entry was posted in . Bookmark the permalink.