Chiếc Áo Choàng Nhung

Bà Visakhà, vị nữ thí chủ  quan trọng trong thời  Đức Phật, thường đến chùa chăm lo mọi nhu cầu của Đức Phật và chư Tăng.

Một hôm, bà mặc một chiếc áo choàng nhung rất quý giá để đi chùa. Khi đến cổng chùa, bà cởi áo choàng ra đưa cho người nữ tì cầm giữ. Lúc ra về, cô nữ tì vô ý, bỏ quên lại. Đại đức A Nan (Ananda) đem cất chờ bà Visakhà đến sẽ trao lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo người nữ tì quay trở lại tìm, nhưng dặn nếu có vị Tỳ kheo nào đã đụng đến thì không nên lấy về. Cô nữ tì đến chùa hỏi thăm, biết Đại đức A Nan đã cất giữ chiếc áo choàng nên trở về báo tin cho chủ. Bà Visakhà liền đến hầu Phật và tỏ ý muốn làm việc thiện với số tiền bán chiếc áo choàng quý giá ấy. Đức Phật khuyên bà nên phát nguyện xây dựng một ngôi tinh xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì không ai có đủ tiền mua chiếc áo choàng đắt tiền như thế nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tinh xá đẹp đẽ (tinh xá Pubbarama), dâng cúng chư Tăng. Sau khi dâng cúng xong ngôi tinh xá, bà ngỏ lời tri ân người nữ tì như sau: “Nếu con không lỡ bỏ quên chiếc áo choàng, ắt ta sẽ không còn có cơ hội tạo nên phước báo này. Như vậy, ta xin chia phước này đến con”.(Theo Những bước thăng trầm của Narada)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Có một ông người Nhật rất mê những món đồ cổ bằng sành sứ, ông đã bỏ nhiều tiền tìm mua các món đồ cổ quý giá. Người vợ thấy ông dành nhiều thời gian nâng niu chăm chút những món đồ cổ khiến bà đâm ra ghen tỵ với những vật vô tri ấy. Một ngày nọ, bà vợ muốn thử lòng chồng nên giả vờ vô ý làm vỡ một cái bình cổ rất quý. Người chồng biết được vợ cố tình thử lòng mình có yêu thương cái bình cổ hơn cô ấy hay không? Bị chạm vào lòng tự trọng, người chồng không nói năng gì, liền đem đập vỡ tất cả các món đồ cổ.

Chiếc áo choàng nhung của bà Visakhà trong câu chuyện trên là vật quý giá có thể giá trị hơn nhiều lần những món đồ cổ của người chồng Nhật kia. Hai thứ ấy tuy rất đắt tiền nhưng cũng chỉ là vật vô tri giác làm sao cao quý bằng tình nghĩa vợ chồng trăm năm thề ước hay làm sao sánh bằng đức hạnh và phước báo bố thí cao quý. Bà Visakhà, vị nữ tín chủ trong thời Đức Phật, thay vì buồn rầu hay phiền giận, la rầy người nữ tì vô ý đã cảm ơn người ấy đã giúp bà cơ hội tạo phước.

Thái độ và cách hành xử gương mẫu của bà Visakhà, một vị thiện tri thức đáng là một bài học cho những ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc hay nhân viên dưới quyền của mình. Chúng ta phải can đảm chịu đựng và chấp nhận đương đầu với những mất mát, thua thiệt, cho dù những mất mát đó có giá trị vật chất rất lớn. Phải điềm tĩnh ứng phó với mọi tình huống bằng tâm xả (upekkhà) hoàn toàn. Luôn quán niệm trong cái rủi có cái may, chuyển họa thành phúc, mất mát cũng chính là cơ hội để người tu đạo thực hành các đức tính từ bi h xả cao thượng.

Lê Đàn

Comments are closed.