Cốc Nước – Đập Ngăn Nước

Ajahn Chah

CỐC NƯỚC

Nhiều người đến gặp tôi có trình độ trí thức cao trong xã hội, trong đó có thương gia, sinh viên tốt nghiệp, giáo sư và nhân viên chính quyền. Tâm họ đầy ắp các quan điểm về sự vật. Họ quá thông thái nên khó có thể nghe người khác.

Giống như một cái cốc, nếu chứa đầy nước dơ thì trở thành vô dụng. Chỉ khi nào đổ hết nước dơ đi ta mới có thể sử dụng được chiếc cốc. Cũng như phải vứt bỏ mọi quan niệm của mình thì bạn mới có thể thấy được chân lý. Kiến thức có được do việc thực hành của chúng ta vượt ra ngoài sự thông tháingu dốt. Nếu bạn nghĩ rằng mình thông thái, giàu có, quan trọng và là một Nhà Học Phật Tinh Thông thì bạn đã che lấp chân lý vô ngã. Tất cả những gì bạn thấy sẽ là tự ngã, tôi, của tôi. Nhưng Phật giáo thì loại bỏ tự ngã. Những kẻ quá thông thái sẽ không thể nào học hỏi được. Trước tiên, phải vất bỏ sự thông thái đi. Phải làm cho chiếc cốc trống không trước đã.

ĐẬP NGĂN NƯỚC

Thực hành định tâm nhằm mục đích giúp tâm an định vững chắc, đem lại sự bình an tĩnh lặng cho tâm. Tâm chúng ta thường vọng động và bất an, khó kiểm soát. Tâm cuốn trôi theo dục lạc ngũ trần như nước cuốn theo dòng thác lũ và tràn ngập khắp nơi. Con người biết cách khống chế nước, biết sử dụng và kiềm chế nước làm cho nước trở thành một nguồn lợi ích lớn lao cho nhân loại. Con người thật thông minh tài giỏi, họ biết cách làm những đập nước khổng lồ, những hồ trữ nước rộng lớn, những mương dẫn nước hữu ích. Tất cả công tác trị thủy trên đều nhằm mục tiêu làm cho nước hữu dụng hơn; không để cho nước phóng túng buông lung, muốn chảy đến đâu thì chảy rồi cuối cùng dồn vào chỗ thấp nhất mà không đem lại chút lợi ích nào.

Tương tự như vậy, khi tâm được kiểm soát, được thường xuyên huấn luyện, được ngăn chặn không cho tự do phóng túng, như nước được đập ngăn giữ, thì sẽ tạo được vô vàn lợi ích. Đức Phật dạy: “Tâm được kiểm soát, chế ngự sẽ đem lại bình an, hạnh phúc thật sự. Hãy thận trọng huấn luyện tâm để đạt được lợi ích lớn lao nhất.” Những loại thú như voi, ngựa, bò v.v… phải được thuần hóa trước khi sử dụng vào công việc, và chỉ khi nào đã được huấn luyện thuần thục thì sức mạnh của chúng mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta. Cũng vậy, tâm được huấn luyện tốt đẹp sẽ có nhiều phúc lợi gấp bội tâm chưa thuần thục. Đức Phật và các thánh đệ tử của Ngài cũng đã huấn luyện tâm như vậy. Trước kia, khi tâm chưa thuần thục, các Ngài cũng phải dày công huấn luyện, tương tự như chúng ta đang cố gắng làm ở đây. Hãy xét xem tại sao các Ngài được chúng ta tôn kính ngưỡng mộ như thế, đồng thời cũng nên xét xem chúng ta đã thu nhận được những lợi lạc gì qua lời dạy của các Ngài. Tâm được kiểm soát và huấn luyện là một thiết bị tốt đẹp, hỗ trợ chúng ta trong mọi công việc và trong mọi hoàn cảnh. Ngườinào chịu bỏ công huấn luyện tâm sẽ có một cuộc sống quân bình, biết phát triển và điều hành hợp lý các hoạt động thường nhật. Và một khi tâm đã được huấn luyện thuần thục, đúng cách thì bình an hạnh phúc to lớn sẽ đến với chúng ta.

Người dịch: Tỳ khưu Khánh H