HỎI: Vừa rồi tôi có duyên cùng các thầy và Phật tử tham dự lễ cầu siêu thủy táng tro cốt xuống sông. Sau lễ cầu siêu là phóng sanh các loại thủy tộc. Nhìn các chúng sanh này tung tăng trong dòng nước trong mát mọi người ai cũng hoan hỷ. Tuy nhiên sau đó có một số người lại ném tiền giấy và tiền kẽm xuống sông; tiền giấy thì nổi đầy sông, tiền kẽm thì chìm nghỉm dưới nước. Tôi hỏi thì có người giải thích đại khái việc quẳng tiền xuống nước là để cho các vong linh sử dụng hay cống nạp cho thần sông hà bá. Xin hỏi việc ấy có đúng không, vì sao?
(TUỆ NGHĨA, duongvt2@fpt.com.vn)
ĐÁP:
Bạn Tuệ Nghĩa thân mến!
Cầu siêu thủy táng tro cốt nơi sông (biển) đồng thời phóng sanh để hồi hướng phước báo cho hương linh là những nghi lễ quen thuộc trong Phật giáo. Tuy vậy, việc một số người quẳng tiền thật xuống sông với niềm tin mơ hồ rằng để cúng cho thần sông hay cho người chết nước sử dụng (trong khi thần sông hay người chết nước cũng không dùng được số tiền đó) là hoàn toàn phí phạm, khiến tự thân bị tổn giảm phước báo, nên cần phải chuyển hóa hủ tục này.
Ai cũng biết, dù đó là những đồng tiền mệnh giá nhỏ, tiền lẻ nhưng vẫn có giá trị sử dụng. Đó là chưa kể nếu nhiều tiền lẻ gom lại là một số tiền khá lớn có thể giúp người cơ nhỡ, đói khát trong vài ngày, thay vì đem quẳng chìm nổi dưới sông thì thật hoang phí. Mỗi người con Phật cần lưu ý rằng có những việc xuất phát từ lòng tốt nhưng cách thể hiện không đúng thì chẳng những không có lợi ích thiết thực mà còn gây tổn hại. Do đó, nếu thực tâm muốn cúng cấp cho chư vị thủy thần hay bố thí các vong linh trầm thủy thì phải thiết lễ thí thực hiến cúng cho chư vị, không nên quẳng tiền một cách vô tội vạ như thế!
Chúc bạn tinh tấn!