Hỏi: Kính bạch Thầy, con chưa hiểu rõ giữa số mạng và nghiệp báo giống nhau hay khác nhau? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ. Con cám ơn Thầy.
Đáp: Theo Nho giáo, con người sinh ra đời, mỗi người đều có số mạng hay thiên mạng định sẵn. Chính vì thế mà người ta thường nói đùa là giày dép còn có số, Tuy đây là câu nói đùa, nhưng ngầm ý là muốn nói mỗi người đều có số đã được một bàn tay nào đó đã đặt định an bày sẵn. Như những việc thành bại, thạnh suy, nhục vinh, vui khổ v.v… ở đời mỗi mỗi đều do trời sắp đặt cho. Bởi thế nên mới có câu nói: “nhứt ẩm nhứt trác giai do tiền định”. Nghĩa là một miếng ăn một miếng uống đều đã được an bày sẵn trước.
Theo nhà Phật, thì cho những điều xảy ra mà con người phải nhận lãnh, gọi đó là nghiệp báo. Nghiệp báo là cái nhân do chúng ta tạo từ trong quá khứ, nay sanh ra đời phải chịu thọ lãnh, như tật nguyền hay đau ốm v.v… Nghiệp là nhân đã tạo, báo là quả phải trả. Như vậy, nếu đứng về mặt sẵn có, thì cả hai bên đều thừa nhận như nhau.
Sự sai biệt của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu trong cuộc sống là một chứng minh cho điều đó. Sự sai khác nầy do ai đặt định? Nho nói: “Số trước đã định”. Phật nói: “Nghiệp trước gây nên”. Nghĩa là cả hai bên đều thừa nhận có cái sẵn từ trước. Chẳng qua chỉ dùng từ ngữ diễn tả khác nhau mà thôi. Một bên nói số, một bên nói nghiệp. Như vậy, cả hai bên giữa nhà Nho và nhà Phật chấp nhận giống nhau. Tuy nhiên, vấn đề nầy, nếu xét sâu hơn, chúng ta thấy có rất nhiều điểm không giống nhau. Không giống nhau về nguyên nhân, về xuất phát, về cảm thọ, về hoán cải và về định chế v.v…
Về nguyên nhân và xuất phát. Người tin vào số mạng hay thiên mạng, thì suốt đời ta không cải đổi được. Như số đã định nghèo, thì suốt đời phải chịu nghèo, không thể nào cất đầu lên nổi. Ngược lại người giàu có cũng thế. Như vậy, là ta phải bó tay cam chịu trong cái khuôn định sẵn, suốt đời không thoát ra được. Đã thế, thì còn gì là giá trị ý nghĩa của sự sống ? Số định cho ta vui, thì ta vui; số định cho ta khổ, thì ta khổ. Nghĩa là mọi việc ta đều thả trôi buông xuôi theo số phận, tới đâu hay đó.
Như thế, quả ta là kẻ bất lực, vô trách nhiệm gởi gắm thân phận mình cho một cái viễn vông mơ hồ, mà ta không hề biết. Với tinh thần khoa học thực tế, thì không ai có thể chấp nhận được vấn đề nầy. Thế thì, nếu xét về nguyên nhân, xuất phát, thì ta không biết do ai gây ra, cứ đổ trút cho số phận hay trời đã định là xong chuyện.
Phật giáo, với thuyết nghiệp báo, không chấp nhận như thế. Theo Phật giáo, bất cứ việc gì xảy ra trên cõi đời nầy, dù nhỏ hay lớn, dù hữu hình hay vô hình, tất cả đều phải có nguyên nhân cả. Không có một việc gì gọi là tự nhiên hay khi không mà có. Theo thuyết nghiệp báo, thì đời nầy ta chịu khổ đau hay vui sướng, đó là kết quả của đời trước hay nhiều đời trước mà chính do ta đã gây ra. Không một bàn tay nào tạo thế cho ta. Mình làm mình chịu trách nhiệm, không đổ thừa, đổ tháo cho ai cả. “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (Truyện Kiều). Như đời nay sanh ra ta bị nghèo khổ, sống trong cảnh cơ cực lầm than, bởi do đời trước ta không tu hạnh bố thí. Thấy ai nghèo khổ đói khát, ta ngoảnh mặt làm ngơ, không một chút từ tâm thương xót. Nêu ra một việc nhỏ như thế, để từ đó chúng ta có thể xét đến trăm ngàn việc khác.
Về cảm thọ và hoán cải hay định chế. Người tin vào số mạng cho rằng, làm sao đổi được số? Nhất là số trời đã định còn ai dám can thiệp vào. Trời đã định, không dám làm trái lòng trời. Người Phật tử tin vào thuyết nghiệp báo thì không như thế. Vì nghiệp có thể chuyển đổi được. Cho nên nói, tu là chuyển nghiệp.
Như người xưa kia có tánh nóng nảy hay sân si, nay biết tu chuyển đổi bỏ bớt. Hay như người nghiện ngập cờ bạc, hút xách, rượu chè say sưa v.v… vì trước kia mê lầm nên tạo lắm điều khổ mình khổ người, nay tỉnh giác hồi đầu hối cải sửa sai, quyết định cai bỏ nghiện ngập và từ đó, họ có một đời sống thay đổi an vui hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Thế thì, nghiệp lực có thể chuyển được từ xấu trở thành tốt, chớ không phải cố định cứng ngắc, theo kiểu trời kêu sao dạ vậy. Nếu tin vào một định chế bất di bất dịch, thì xã hội nầy làm sao cải tiến và mọi người phó thác cho định mệnh, không thể nào vươn lên cầu tiến. Như thế, thì thử hỏi làm sao cá nhân, gia đình và xã hội tiến bộ cho được? Người tin vào số mạng, theo kiểu định kiến, thì chỉ còn có nước ngồi đó khoanh tay chờ chết, chớ làm sao cải đổi cho được. Như thế thì trách nhiệm con người ở đâu? Và như thế, thì xã hội sẽ trở thành lạc hậu mất rồi!
Tóm lại, giữa số mạng hay thiên mạng và nghiệp báo thật khác nhau rất xa. Chỉ giống nhau một điểm là cái sẵn có như trên đã nói qua. Ngoài ra, tất cả đều dị biệt. Để so sánh rõ hơn về vấn đề nầy, sau đây, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn so sánh phê bình giữa thuyết số mạng và nghiệp báo trong quyển sách Hé Mở Cửa Giải Thoát do Thiền Sư Thích Thanh Từ biên soạn. Ở đoạn kết luận Phê bình, trang 64, Hòa Thượng có nêu ra so sánh phê bình như sau: “Nói số mạng là mơ hồ không xác thực. Nghiệp báo là thực tế rõ ràng. Thuyết số mạng đưa con người vô trách nhiệm về hành động của mình. Nghiệp báo dạy người nhận lấy trách nhiệm do mọi hậu quả tốt xấu đến với mình. Số mạng khiến con người thụ động, tiêu cực phó thác liều lĩnh. Nghiệp báo xây dựng con người chủ động, tích cực, nỗ lực và sáng tạo. Số mạng tập con người yếu đuối, an phận đầu hàng. Nghiệp báo chỉ cho ta phải cố gắng can đảm và thăng tiến. Số mạng thích hợp với thời quân chủ phong kiến. Nghiệp báo thích hợp với thời dân chủ tự do. Ứng dụng thuyết nghiệp báo trong cuộc sống, chúng ta thấy mình đồ sộ hiên ngang đầy đủ quyền năng trong cuộc kiến tạo con người và vũ trụ”.