Thẳng Thắn Khuyên Can Và Giữ Vững Tiết Tháo

Cấp Ảm, tự là Trường Nhụ, là người huyện Bộc Dương (nay ở phía Nam Bộc Dương) vào thời Tây Hán (206 TCN – 9 SCN). Ông ưa chuộng học thuyết Hoàng Đế, Lão Tử, lại là người cương quyết chính trực. Ông là người có thể lấy quốc gia xã tắc và nỗi khổ của dân chúng làm trọng, không kể tới an nguy của bản thân mình, khuyên can thẳng thắn, vì thế tiếng thơm được truyền tụng.

Vào thời Hán Vũ Đế, quận Hà Nội phát sinh hỏa hoạn thiêu cháy hơn một ngàn nhà, Hoàng đế bèn phái Cấp Ảm đi thị sát. Cấp Ảm đến nơi, phát hiện ra chuyện hỏa hoạn chỉ là việc nhỏ, nơi này người dân hơn một vạn nhà đang phải chịu cảnh bần cùng bởi nạn hạn hán hoành hành, thậm chí đến mức người sống ăn thịt người chết để cầm hơi. Cấp Ảm lấy dân làm trọng, thấy cảnh như thế bèn tìm cách cải thiện tình hình. Trong tay đang cầm Phù tín (*) vua ban, Cấp Ảm liền mệnh lệnh cho quan lại trong quận Hà Nội phân phát lương thực cứu đói cho dân nghèo địa phương. Lúc về triều phục mệnh, Cấp Ảm trả lại Phù tiết, xin Hoàng đế định tội. Hán Vũ Đế cho rằng Cấp Ảm hết mực hiền lương cho nên miễn trách tội ông.

Một lần nọ, trong triều tuyển lựa nho sỹ có tài văn chương, Hoàng đế nói mãi rằng ta muốn như thế như thế. Cấp Ảm nói: “Bệ hạ nội tâm rất nhiều dục vọng, bên ngoài có vẻ như muốn thi hành những điều nhân nghĩa, nhưng có lẽ nào so sánh được với sự trị vì của các bậc thánh vương Đường Ngu [Nghiêu Thuấn]?”. Hoàng đế nổi giận đỏ mặt, tuyên bố đình chỉ triều chính, các quan đại thần thảy đều sợ hãi thay cho Cấp Ảm, quay ra trách cứ ông. Cấp Ảm nói: Thiên tử thiết lập bố trí quan lại để phò tá Triều đình, chẳng lẽ để cho bọn họ thừa cơ a dua, tâng bốc ý chỉ, khiến vua lạc vào con đường bất nghĩa hay sao? Huống hồ ta mang địa vị Công khanh, cho dù có yêu cái thân thể của mình bao nhiêu, sao có thể để lợi ích của Triều đình bị tổn hại như thế được?”.

Đại tướng quân Vệ Thanh có địa vị ngày càng tôn quý, có chị gái làm Hoàng hậu, triều đình đều e sợ, chỉ có Cấp Ảm đối với ông ta vẫn lễ tiết bình đẳng như thường. Có người khuyên Cấp Ảm, ông chỉ trả lời: “Để cho Đại tướng quân có một vị khách có thể chắp tay ngang hàng lễ đãi, như thế không phải là kính trọng ông ấy hay sao?”. Vệ Thanh nghe chuyện lại càng cho rằng Cấp Ảm là bậc hiền lương, không a dua nịnh nọt quyền thế, nhiều lần thỉnh giáo ông Triều đình đại sự, hậu đãi Cấp Ảm hơn cả trước kia.

Đối với việc triều chính bất hợp lý cùng với bọn gian thần nịnh thần, Cấp Ảm luôn có thể nói thẳng chỉ thẳng, tựa hồ như không một ai có thể khiến ông thay đổi tiết tháo. Hoàng đế từng ca ngợi ông là người bề tôithể sống chết cho giang sơn xã tắc, đối với ông thì vô cùng kính trọng và lễ ngộ. Nếu Đại tướng quân Vệ Thanh nhập cung cầu kiến, Hoàng đế có khi tiếp đón từ trong phòng tắm; khi Thừa tướng Công Tôn Hoằng cầu kiến về công việc thường ngày, Hoàng đế có khi không đội vương miện; nhưng nếu Cấp Ảm cầu kiến, Hoàng đế không đội vương miện thì không dám tiếp đón ông.

Mặc dù Cấp Ảm tính tình cao ngạo, khuyết thiếu Lễ tiết, thích thẳng thừng chỉ trích người khác, nhưng tại chốn quan trường mà gặp bọn gian quan nịnh thần, hoặc lúc gặp chuyện can hệ đến an nguy của quốc gia đại sự và an nguy của trăm họ, thì ông có thể vứt bỏ an nguy của bản thân mà dùng lời lẽ ngay thẳng để khuyên can, giữ vững tiết tháo. Trung thần như ông cổ kim hiếm gặp, cho nên danh tiếng của ông lừng lẫy Triều đình.

Chú thích:

(*) Phù tín: một loại lệnh bài, vị nào cầm nó nghĩa là được vua trao cho trọng trách thay vua hành sự, tất cả đều phải phục tùng vị ấy.

Tiết tháo: Chí khí cương trực và trong sạch