Rất nhiều người nói rằng tiền tài đều có chủ riêng của nó, tiền của ai thì nhất định của người đó, không mất đi đâu được. Nếu cố gắng lấy của người ta ắt sẽ bị Thần trừng phạt.
Vào những năm cuối nhà Tùy, có một thư sinh nghèo, dựa vào nghề dạy học mà nuôi sống gia đình. Nhà anh cách kho của quan phủ rất gần, biết ở bên trong có mấy vạn quan tiền, anh bèn lén đào một cái lỗ để chui vào.
Đúng lúc đó xuất hiện một vị toàn thân mang áo giáp sắt, cầm binh khí nhìn về anh ấy và nói: “Nếu ngươi cần tiền, có thể đến gặp một người họ Úy Trì, ở chỗ đó người muốn gì ông ta sẽ cho cái đó, đây là tiền Úy Trì Kính Đức”.
Sau khi nghe những lời này, vị thư sinh liền khăn gói đi tìm ông Uý Trì Kính Đức, nhưng tìm mãi mà vẫn chưa tìm thấy được.
Có một ngày anh đến cửa tiệm rèn sắt vì nghe nói ở đây có một người tên Úy Trì Kính Đức, thì gặp một người cởi trần, đầu tóc bù xù đang rèn sắt. Anh thư sinh ngồi đợi cho đến khi người kia nghỉ giải lao liền chạy lại chào hỏi.
Kính Đức liền hỏi: “Có việc gì vậy?”
Thư sinh đáp: “Nhà của tôi rất nghèo, ngài lại rất nhiều tiền, tôi muốn 500 quan tiền, ngài có thể cho tôi được chứ?”
Kính Đức rất tức giận nói: “Ta chỉ là một tay thợ rèn, làm sao có nhiều tiền đến thế. Ngươi đang bỡn cợt ta có phải không?”
Thư sinh đáp: “Nếu như ông thương tôi, chỉ cần viết cho tôi vài chữ, coi như ông đã giúp được tôi rồi”.
Úy Trì Kính Đức không biết làm sao, đành phải ghi cho thư sinh dòng chữ: “Nay giao cho ông 500 quan tiền”. Lại viết đầy đủ ngày tháng và ký tên lên đó. Thư sinh cảm ơn rồi cầm tờ giấy đi.
Úy Trì Kính Đức cùng những người làm khác vỗ tay cười to, cho rằng thư sinh này quả là hoang đường. Thư sinh có được tờ giấy thì quay trở lại nhà kho, gặp được người mặc áo giáp, đem tờ giấy ra cho ông ấy xem.
Người mặc áo giáp sắt cười nói: “Đúng rồi”. Lại dặn thư sinh đem tờ giấy treo lên trần nhà phía trên cao, rồi để cho thư sinh lấy tiền, nhưng chỉ giới hạn 500 quan tiền.
Về sau, Kính Đức giúp đỡ nhà vua, lập được nhiều công lớn. Lúc ông giải ngũ về quê, Hoàng thượng ban thưởng cho ông một kho tiền vẫn còn niêm phong kỹ.
Khi ông kiểm tra lại, phát hiện thiếu đi 500 quan tiền. Đang định xử phạt người thủ kho, bỗng nhiên thấy trên trần nhà có tờ giấy “Nay giao cho ông 500 quan tiền”, Kính Đức xem xét lại, vốn dĩ lúc còn là một thợ rèn chính ông đã ghi tờ giấy này.
Mấy ngày sau đó ông vẫn cảm thấy sự việc này thật kỳ lạ, bèn phái người âm thầm tìm kiếm thư sinh kia. Sau khi tìm được, thư sinh đem sự tình câu chuyện kể lại cho ông nghe. Kính Đức nghe xong liền thưởng cho thư sinh một số tiền, còn đem tiền trong kho phân phát cho các bằng hữu trước đây.
Quả thật, có rất nhiều thứ không thể nói ra một cách tùy tiện, bởi có thể sẽ phải trả giá đắt, chỉ là vấn đề sớm hay muộn thôi. Kiềm chế cái miệng của mình lại, cũng là một cách hữu hiệu để tránh những thị phi trên đời.