TRỘM ÁO NHÀ VUA

Xưa có người mọi lấy trộm các đồ-vật trong kho nhà vua rồi chạy trốn. Nhà vua sai người đi khắp nơi tìm, bắt đem về. Vua hỏi: “Áo kia của ngươi do đâu có?” – Người mọi đáp: “Áo này là bảo-vật của ông cha tôi để lại!” – Vậy ngươi mặc xem? – nhà vua bảo. Người mọi mặc: Tay áo mặc vào đầu gối, lưng áo trùm lên đầu. Nhà vua thấy đúng là áo ăn trộm mới họp quần-thần lại, nói rõ đầu-đuôi rồi quay sang bảo người mọi: “Áo này nếu là của ông cha ngươi để lại, thời ngươi phải biết mặc, sao ngươi mặc lộn-bậy như vậy? Vì ngươi không biết mặc nên biết hẳn áo này là áo ngươi ăn trộm, chứ không phải là vật cũ của nhà ngươi!”

Mượn làm ví-dụ: “Vua” ví như “bảo-tạng như-pháp” (chân-lý) của Phật; “người mọi ngu-si” ví như ngoại-đạo nghe trộm chính-pháp của Phật lồng vào trong pháp của mình, cho là mình có. Song, vì không hiểu-biết, xếp-đặt Phật-pháp lộn-lạo trên, dưới, không biết pháp-tướng (sự-tướng trong Phật-pháp, tướng-trạng của sự-vật) ra sao. Như người mọi được áo quý của nhà vua, không biết lần-lượt, mặc lộn-bậy đầu-đuôi cũng thế!