Bích-Chi Phật

● Là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “Pratyeka-buddha”, dịch ý ra Hán ngữ là Duyên-giác, hay Độc-giác; chỉ cho những vị không có đạo sư hướng dẫn, mà một mình tự giác, tự ngộ để đạt thành quả vị thánh nhân. Hành giả sinh trong đời không có Phật tại thế, Phật pháp đã diệt mất, nhưng do nhân duyên tu tập đời trước, không theo học ai, tự phát sinh trí tuệ mà ngộ đạo, đó là bậc Độc-giác. Hành giả sinh trong đời không có Phật tại thế, Phật pháp đã diệt mất, không theo học ai, tự mình có trí tuệ, cảm nhận tính vô thường, hoại diệt của thế gian, thích ở nơi tịch tĩnh, quán sát thấu rõ đạo lí mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, đó là bậc Duyên-giác. Luận Câu Xá phân ra hai loại Độc-giác: Hành giả từng tu theo Thanh-văn thừa, đã chứng ba quả vị Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, rồi tạm rời xa Phật, một mình tự tu tự ngộ để đạt quả vị A-la-hán, gọi là “Bộ-hành Độc-giác”. Hành giả chỉ ở một mình, tự tu tập, trải qua một trăm đại kiếp, tích tụ công đức, cuối cùng được giác ngộ, gọi là “Lân-giác Độc-giác”. Luận Đại Trí Độ lại nói: Hành giả sinh trong đời không có Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, nhưng do nhân duyên đời trước, tự phát trí tuệ, không theo ai học, do thấy được một ít nhân duyên như hoa rơi lá rụng mà trí vô lậu phát sinh, dứt sạch kiết sử, chứng quả Bích-chi Phật, gọi là “Duyên-giác Bích-chi Phật”. Hành giả vốn đã chứng quả Dự-lưu, đã thọ sinh đủ bảy lần trong nhân gian, nhưng lần chót này lại không gặp Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, bèn tự tu tự chứng ngộ, gọi là “Tiểu Bích-chi Phật”; hoặc hành giả từng tu tập trải qua trăm kiếp, tích tụ công đức, tăng trưởng trí tuệ, chứng ngộ thánh quả, gọi là “Đại Bích-chi Phật”; cả Tiểu và Đại Bích-chi Phật, gọi chung là “Độc-giác Bích-chi Phật”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.