Đại Bảo Tích

● (Mahā-Ratnakūta-Sūtra hay Bảo Tích) gồm có 49 hội, 120 quyển.Thật ra là bộ tổng tập các kinh liên quan đến những phương pháp tu hành, thọ ký, thành Phật của các Bồ Tát, do ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch. Theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, bộ kinh Đại Bảo Tích gồm có hai phần, một phần gọi là “tân dịch” (gồm 26 hội, 39 quyển) là do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào đời Đường; còn phần kia gọi là “cựu dịch” (gồm 23 hội, 81 quyển), do nhiều vị dịch sư khác đã dịch từ trước trong các đời Ngụy, Tấn, Nam-Bắc-triều v.v… Như vậy, bộ kinh này là một tập hợp của 49 kinh; tuy nhiên, về hình thức, hai phần tân và cựu dịch ấy không phải đã được sắp xếp riêng biệt, mà các hội ấy xen kẽ nhau. Cũng theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, nguyên bản Phạn văn của toàn bộ kinh Đại Bảo Tích gồm 49 hội (tức 49 kinh) đã được pháp sư Huyền Trang mang về từ Ấn-độ. Tháng Giêng năm Trinh-quán thứ 19 (năm 645 TL), ngài đã từ Ấn-độ về đến Trường-an, được vua Đường Thái-tông mời cư trú tại chùa Hoằng-phúc. Tại đây ngài đã lập đạo tràng phiên dịch đầu tiên. Tháng Năm năm ấy thì công việc dịch kinh bắt đầu, và bộ kinh đầu tiên đã được ngài Huyền Trang dịch chính là kinh Đại Bồ Tát Tạng (tức hội 12 của bộ kinh Đại Bảo Tích này), gồm có 20 quyển. Rồi 19 năm sau (năm 663), ở chùa Ngọc-hoa (vốn là cung Ngọchoa), sau khi phiên dịch hoàn tất bộ kinh Đại Bát Nhã, chư tăng đã thành khẩn xin ngài dịch tiếp bộ kinh Đại Bảo Tích; vì thương xót tâm thành của đại chúng, ngài đã mở bộ kinh nguyên bản Phạn văn ra, nhưng lúc đó đã sức cùng lực kiệt, ngài chỉ gắng gượng dịch được một ít, rồi thì buông bút, không thể tiếp tục công việc được nữa. Ngài đành cho đem bộ kinh cất lại vào kho, từ đó dứt tuyệt việc cầm bút, chỉ chuyên việc tu trì, cho đến ngày viên tịch.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.