Duy Thức

● (Vijnapti-matrata): Thức là nhận biết. Khi vạn vật phản chiếu vào tâm trí ta, thì tính phân biệt, tưởng tượng của tâm đã sẵn sàng để hoạt động ngay; đó gọi là “thức”. Thức chính là bản thể của tâm. Tất cả mọi hiện tượng đều là biến hiện của thức, lìa khỏi thức thì không có gì gọi là thực tại; nói cách khác, chỉ có thức mới thực sự hiện hữu, cho nên gọi là “DUY THỨC”. Học thuyết Duy Thức, khởi thỉ ở Ấn-độ, được gọi là Du Già Hành phái (Yogacara), tức chỉ cho pháp môn tu tập bằng cách thực hành phép quán tưởng. Bồ-tát Thế Thân (thế kỉ thứ 5), sau khi qui hướng về đại thừa, đã tập đại thành các quan điểm then chốt trong Du Già tông (hàm chứa trong các trước thuật của hai vị Bồ-tát Di Lặc và Vô Trước), mà xác lập nên hệ thống triết học Duy Thức. Trong tác phẩm Duy Thức Nhị Thập Tụng, ngài đã chối bỏ sự hiện hữu của thế giới bên ngoài. Mọi hiện tượng, sự vật mà chúng ta cho là có mặt, thật sự là rỗng không, chỉ thuần là ảo ảnh. Sở dĩ chúng ta nhìn thấy chúng như là đang hiện hữu khách quan, là tại vì THỨC của mỗi cá nhân đã tạo ra ảo ảnh về chúng, làm cho chúng ta có ảo giác rằng chúng đang hiện hữu. Như vậy, thế giới hiện tượng chỉ là sản phẩm của THỨC. Từ đó mà từ “DUY THỨC” được xác lập.

Tiếp đó, trong tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng (Vijnaptimatratatrimsika), với sự thành lập thêm hai thức mạt-na và a-lại-da (trong giáo thuyết tiểu thừa trước đó chỉ thành lập 6 thức trước), Bồ-tát Thế Thân đã làm cho giáo nghĩa Duy Thức tiến xa và vững chắc hơn. Tác phẩm đó đã được coi là bản văn chính yếu của triết học Duy Thức. Tác phẩm này, sau đó đã được mười vị đại luận sư (Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Tối Thắng Tử, Thắng Hữu, và Trí Nguyệt) chú giải. Pháp sư Huyền Trang, sau khi du học ở Ấn-độ trở về Trung-quốc, đã tập hợp mười bản chú giải về Duy Thức Tam Thập Tụng đó, và soạn thành bộ Thành Duy Thức Luận. Đệ tử của pháp sư Huyền Trang là ngài Khuy Cơ (thế kỉ thứ 7) lại sớ giải bộ Thành Duy Thức Luận này với tác phẩm mang tên Thành Duy Thức Luận Thuật Kí, đã chính thức thành lập tông Duy Thức (hay tông Pháp Tướng) tại Trung-quốc.

Duy Thức: Các pháp thế gian đều chỉ do THỨC biến hiện; do vậy, tất cả các pháp đều không rời THỨC, cho nên gọi là “Duy Thức”

Ngài Vô Trước đã tuân thừa pháp môn Du Già của Bồ-tát Di Lặc mà viết thành các bộ Du Già Sư Địa Luận, Phân Biệt Du Già Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Biện Trung Biên Luận, Kim Cang Bát Nhã Luận; đồng thời cũng trước tác các bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, A Tì Đạt Ma Luận, v.v…, nói rộng về diệu lí “pháp tướng duy thức”. Em của ngài là Thế Thân thì trước tác đến mấy trăm bộ luận đại thừa, như Duy Thức Nhị Thập Luận, Tam Thập Luận, Phật tánh Luận, Thập Địa Kinh Luận v.v…, nhằm tuyên dương giáo nghĩa của Hữu tông đại thừa.

Diệu hữu: “Hữu” là hiện có, đang tồn tại. “Diệu hữu” cũng tức là “chân hữu”, là sự HIỆN HỮU mầu nhiệm, là cái CÓ chân thật. Vì sao mà nói là “diệu hữu”? Theo tư tưởng Duy Thức học, mọi sự vật hiện hữu được xếp theo ba loại bản tánh:

1) Sự vật chỉ hiện hữu trong tưởng tượng, trong tính phân biệt, trong những khuôn mẫu sẵn có của THỨC, chứ tự chúng không thật có như một thực thể khách quan; và Duy Thức học gọi đó là tánh “biến kế sở chấp” của vạn pháp.

2) Sự vật chỉ hiện hữu trong tương quan duyên sinh, nghĩa là bất cứ một sự vật gì cũng phải nhờ sự kết hợp của nhiều sự vật khác để hiện hữu và tồn tại, chứ nó không thể tự sản sinh và hiện hữu một cách độc lập; Duy Thức học gọi đó là tánh “y tha khởi” của vạn pháp.

3) Nếu xa rời khỏi hai loại bản tánh trên đây, tức là khi sự vật không còn là đối tượng “biến kế” của THỨC, đồng thời cũng không còn bị ràng buộc trong cái tướng giả tạm do nhân duyên sinh, thì sự vật sẽ hiện hữu trong bản tánh chân thật của nó. Bản tánh chân thật này siêu việt mọi khái niệm, ý thức con người không thể với tới được; chỉ có tuệ giác siêu việt của bậc giác ngộ mới thấy rõ được; và Duy Thức học gọi đó là tánh “viên thành thật” của vạn pháp.

Vậy, khi xa lìa mọi chấp trước, mọi vọng tưởng phân biệt, mọi phạm trù khái niệm, mọi điều kiện sinh diệt, thì vạn pháp sẽ hiện hữu trong thật tướng của chúng. Thật tướng đó cũng tức là chân như thường trú, mà các pháp sư Duy Thức gọi là “diệu hữu”, hay “chân hữu”. Với tuệ giác siêu việt, các bậc giác ngộ thấy rõ vạn pháp là duyên sinh, không có bản tính chân thật; hay nói cách khác, bản tánh của vạn pháp vốn là “chân không”. Điều này đã đem đến cho chúng ta một kết luận sâu sắc: “CHÂN KHÔNG tức là DIỆU HỮU”

This entry was posted in . Bookmark the permalink.