Hải Đông

● Chính là ngài Nguyên Hiểu (617-686), biệt hiệu là Tây Cốc Sa Di. Sư là người xứ Tân La, là sơ tổ của Hải Đông Tông (tông Hoa Nghiêm tại Đại Hàn). Ngài được sanh ra tại quận Áp Lương, nước Tân La (nay thuộc Khánh Thượng Bắc Đạo – Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn), họ Tiết, thuở nhỏ có tên là Thệ Tràng. Sư xuất gia năm 29 tuổi tại chùa Hoàng Long. Do hâm mộ ngài Huyền Trang và Khuy Cơ, Sư cùng ngài Nghĩa Tương vượt biển sang Trung Hoa. Giữa đường gặp mưa phải nghỉ tại một nghĩa địa là nơi có nhiều quỷ yêu tác quái. Do vậy, Sư ngộ giải “do tâm sanh nên các pháp sanh, tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Ngoài tâm không pháp, cần gì phải cầu nơi khác nữa”, bèn thôi đi tiếp, quay trở lại Tân La. Sau khi đã giải ngộ tâm địa, Sư ẩn giấu thân phận bằng cách thị hiện cuồng ngạo, phóng túng, ngôn hạnh quái dị, vào tửu quán, nhà thổ, hoặc cầm đao vàng, trượng sắt, tuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, hoặc vào núi sâu lặng lẽ tọa Thiền. Ngài chú giải các kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã, Thắng Man, Giải Thâm Mật, Đại Vô Lượng Thọ, Di Lặc Thượng Sanh, Phạm Võng v.v… cũng như sớ giải các bộ luận Khởi Tín, Nhiếp Đại Thừa, Trung Biên, Thành Thật, Quảng Bách, A Tỳ Đàm, Tam Luận v.v… Tổng cộng đến hơn tám mươi mốt loại, nhưng chỉ còn giữ được mười sáu tác phẩm. Sau khi viên tịch, Sư được ban thụy hiệu là Đại Thánh Hòa Tịnh Quốc Sư. Tác phẩm chú giải kinh Di Đà được sách Diễn Nghĩa nhắc tới ở đây chính là A Di Đà Kinh Sớ. Ngài còn viết một bản sớ giải kinh Vô Lượng Thọ mang tựa đề Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.