Hiền Thủ

● (634-712) là cao tăng đời Đường, pháp danh Pháp Tạng, Pháp Tự Hiền Thủ, hiệu là Quốc Nhất Pháp sư. Ngài còn được gọi là Hương Tượng đại sư, hoặc Khang Tạng Quốc Sư. Ngài vốn là người xứ Khang Cư, đến đời ông nội, cả họ di dân vào Trung Thổ, sống ở Trường An. Sư thông minh, mẫn tiệp từ nhỏ. Sư y chỉ ngài Vân Hoa Trí Nghiễm, nghe giảng kinh Hoa Nghiêm bèn thâm nhập huyền chỉ. Sau khi ngài Trí Nghiễm thị tịch bèn y chỉ ngài Bạc Trần. Do tinh thông các thứ tiếng Tây Vực, Sư vâng mạng tham gia dịch trường của ngài Nghĩa Tịnh, dịch các bộ Tân Hoa Nghiêm, Đại Thừa Nhập Lăng Già v.v… Sở học uyên bác của Sư về kinh Hoa Nghiêm đã khiến các vị sư huynh cao túc của Sư tiến cử Sư giảng kinh cho hoàng đế trong khi Sư chỉ là một Sa-di. Khi giảng mười huyền môn của kinh Hoa Nghiêm cho Võ Tắc Thiên, Sư đã dùng con sư tử vàng trong điện làm tỷ dụ, Võ Tắc Thiên lãnh ngộ, sau đấy, Sư vâng mệnh soạn bài Sư Tử Chương để ghi lại bài giảng ấy. Về sau, Sư trụ tại chùa Vân Hoa, Võ Tắc Thiên truyền mười vị đại đức chốn kinh thành cùng truyền đại giới cho Sư, ban tặng kinh Hoa Nghiêm, trên đề chữ Hiền Thủ Bồ Tát (ngụ ý ca ngợi Sư giống như Hiền Thủ Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm). Vì thế, Sư được gọi là Hiền Thủ quốc sư. Cả đời Sư giảng kinh Hoa Nghiêm hơn ba mươi lần, kiến lập giáo nghĩa tông Hoa Nghiêm. Ngoài chú giải kinh Hoa Nghiêm, Sư còn chú giải các kinh Lăng Già, Mật Nghiêm, Phạm Võng và Khởi Tín Luận. Ngài cũng đưa ra cách phán giáo chia giáo nghĩa nhà Phật thành năm giáo mười tông. Sư trước tác vô cùng phong phú, các tác phẩm của Sư được hậu thế nghiên cứu, học tập nhiều nhất là Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, Hoa Nghiêm Liệu Giản, Hoa Nghiêm Nhất Thừa Giáo Nghĩa Phân Tề Chương (Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương), Hoa Nghiêm Kinh Chỉ Quy, Hoa Nghiêm Sách Lâm, Hoa Nghiêm Kinh Vấn Đáp, Đại Thừa Mật Giáo Kinh Sớ, Phạm Võng Kinh Sớ, Đại Thừa Khởi Tín Luận Sớ, Hoa Nghiêm Cương Mục, Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa Chương, Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán v.v…

This entry was posted in . Bookmark the permalink.