Kinh Sử Tử Tập

● Là cách phân loại sách vở cổ điển của Trung Quốc. Khái niệm này được hình thành bởi Lý Sung đời Tấn, nhưng danh xưng “kinh, sử, tử, tập” chưa được chính thức áp dụng; đến đầu đời Đường, cách phân loại này mới được chính thức áp dụng. Mỗi loại trong bốn loại ấy lại còn chia thành nhiều loại nhỏ. Theo đó :

1) Kinh : Bao gồm những sách vở chánh yếu của Nho gia, mang tính chất khuôn mẫu, quy định các phạm trù đạo đức và luân lý, như Châu Dịch, Ngũ Kinh, Châu Lễ, Lễ Ký, Xuân Thu Tả Truyện, Tứ Thư, Nhĩ Nhã, Nhạc Luận, Nhạc Lễ Đại Nghĩa, Nhạc Kinh, Hoàng Chung Luật, Hiếu Kinh, Khổng Tử Gia Ngữ, Hà Đồ Lạc Thư, Dịch Vĩ, Xuân Thu Vĩ, Luận Ngữ Sấm, Ngọc Thiên, Âm Thư Khảo Nguyên, Thanh Vận v.v… Từ đó, ngành học thuật chuyên nghiên cứu các loại kinh điển này được gọi là Kinh Học.

2) Sử : Bao gồm cách sách chép về lịch sử và các thư tịch ghi chép về điển chương, quy chế, quy định về quan chức của các vương triều, như hai mươi lăm bộ sử, ký sự lịch sử, tạp sử, chiếu lệnh, truyện ký về các triều đại, thời lệnh (các mệnh lệnh theo các thời điểm trong từng triều đại) v.v… Các tác phẩm tiêu biểu là Chiến Quốc Sách, Sử Lý, Triệu Tuyệt Ký, Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Đông Quán Hán Ký, Lương Thư Đế Kỷ, Châu Sử, Thông Sử, Tam Quốc Chí, Trần Thư, Hậu Ngụy Thư, Thanh Sử Cảo v.v…

3) Tử : Bao gồm các trước tác của các triết gia và học phái (hoặc các tác phẩm chú giải những bộ sách ấy) cũng như các sách vở của Phật Giáo và Đạo Giáo, chia thành mười bốn loại nhỏ là Nho gia, binh gia, pháp gia, nông gia, y gia, thiên văn toán pháp, thuật số, chư lục (các sách vở ghi chép ngữ lục của triết gia), tạp gia, loại thư, tiểu thuyết gia, Thích gia, Đạo gia. Các tác phẩm tiêu biểu là Yến Anh Xuân Thu, Tăng Tử, Tân Ngữ, Thuyết Uyển, Yếu Lãm, Đạo Đức Kinh, Lão Tử Nghĩa Sớ, Văn Tử, Hạt Quán Tử, Liệt Tử, Trang Tử, Nam Hoa Luận, Bão Phác Tử Nội Thiên, Huyền Tử, Quản Tử, Thương Quân Tử, Hàn Tử, Nhân Vật Chí, Doãn Văn Tử, Sĩ Phẩm, Mặc Tử, Quỷ Cốc Tử, Tôn Tử Binh Pháp, Thái Công Lục Thao, Thái Công Kim Quỹ, Đại Tướng Quân Binh Pháp, Huyền Nữ Chiến Kinh, Bão Phác Tử Ngoại Thiên, Bác Vật Chí, Thái Bình Quảng Ký, Cổ Kim Chú, Tế Dân Yếu Thuật, Cấm Uyển Bảo Lục, Châu Lễ, Hồn Thiên Nghĩa, Thiên Văn Tập Chiêm, Tinh Chiêm, Hồng Phạm Chiêm, Nhị Thập Bát Tú Phần Dã Đồ, Tứ Phần Lịch, Lậu Khắc Kinh, Cửu Chương Toán Thuật, Tôn Tử Toán Kinh, Châu Dịch Linh Thông Quyết, Chiêm Mộng Thư, Cửu Cung Hành Kỳ Kinh, Tai Dị Đồ, Bản Thảo Đồ Kinh, Bản Thảo Cương Mục, Trương Trọng Cảnh Phương, Tố Vấn, Châm Cứu Giáp Ất Kinh, Linh Khu Kinh, Dưỡng Sanh Yếu Tập, Mạch Kinh, Hoàng Đế Dưỡng Thai Kinh, Dưỡng Sanh Thuật v.v…

4) Tập : Bao gồm các trước tác như tản văn (văn xuôi), biền văn (văn vần), thơ, từ, tán khúc, bình luận, hý khúc (các vở tuồng), ca khúc v.v… Lại chia thành nhiều loại nhỏ như Sở Từ, Biệt Tập, Thi Văn Bình (bình luận thơ văn), Thi Từ v.v… Các tác phẩm tiêu biểu là Sở Từ, Tư Mã Tương Như Tập, Đỗ Dự Tập, Hàn Khang Bá Tập, Nhạc Phủ Tân Ca, Linh Bảo Kinh, Đỗng Huyền Lục v.v…

Chính vì cách phân loại sách vở thành bốn loại này mà khi Càn Long ra lệnh biên tập một tổng tập các tác phẩm cổ điển của Trung Hoa, nhóm chủ biên đã đặt tên cho bộ tổng tập ấy là Tứ Khố Toàn Thư.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.