Ngũ Thể Đầu Địa

● (五體投地 – ngũ thể đầu địa). Danh từ Hán Việt gọi là “ngũ thể” hay “ngũ luân”, gồm có đầu, hai tay và hai gối. Khi lễ lạy, cả năm vóc này đều phải chạm đất, gọi là cách lạy “năm vóc chạm đất” (Ngũ Thể Đầu Địa). Đây là cách lễ lạy cung kính nhất trong các cách lễ lạy của người Ấn thời xưa, được tín đồ Phật Giáo sử dụng để lạy Phật, lạy chư tăng, từ ngày Phật còn tại thế cho đến ngày nay đều thống nhất hành trì như vậy.

Khi lễ lạy, người Phật tử đứng ngay thẳng, hai chân khép sát vào nhau, hai bàn tay chắp sát lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng (không phải thế hình búp sen) tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có người để hai tay trước ngực lạy xuống. Cũng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống theo phương cách ngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình lên trên hai lòng bàn tay.

Còn có cách lạy duỗi dài thân thể để cho tay chân và đầu đều chạm sát đất, nhằm tỏ lòng tôn kính, nhưng ở Việt Nam không phổ biến cách lễ lạy này. Đối với phụ nữ, thường là quì thẳng lưng rồi lạy, chứ không đứng, vì hình thể đặc biệt của phụ nữ, khác với nam giới nên thế đứng thẳng không thích hợp.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.