Tam Chỉ

● Là ba Chỉ Hạnh (những hạnh tu tập để dứt trừ phiền não, vọng tưởng) được lập ra bởi tông Thiên Thai dựa trên Tam Quán “Không, Giả, Trung”

1.Thể Chân Chỉ : Tương ứng với Không Quán. Thấu hiểu vô minh điên đảo là vọng, chính là thấu hiểu Thật Tướng là chân. Thấu hiểu các pháp do nhân duyên hòa hợp, không có tự tánh, sẽ có thể dứt được vọng niệm nắm níu nơi trần cảnh, kiến giải, ý kiến phân biệt v.v… chứng đắc Lý Không. Do vậy sẽ thành tựu Chân Đế tam-muội.

2.Phương Tiện Tùy Duyên Chỉ (Phương Tiện Chỉ) : Tương ứng với Giả Quán. Tiếp xúc các trần cảnh, thấu hiểu, nhận biết rõ ràng, nhưng tâm yên ổn không lay động bởi Tục Đế, không chấp trước, biết các pháp đều giả có, biết Không chẳng phải là Không. Do pháp Chỉ này sẽ mở mang pháp Nhãn, thành tựu Tục Đế tam-muội.3

3.Tức Nhị Biên Phân Biệt Chỉ (Chế Tâm Chỉ) : Tương ứng với Trung Quán, chẳng phân biệt sanh tử và Niết Bàn, có và không v.v… Bởi lẽ, hai phép Chỉ trên đây thiên trọng Chân Đế và Tục Đế, nên phải có phép Chỉ này để dứt bặt sự thấy có hai Đế. Biết Chân chẳng phải là Chân, Tục chẳng phải là Tục, dứt bặt kiến chấp thấy có hai bên. Đạt cảnh giới này sẽ đắc Trung Đạo Định, mở Phật Nhãn, thành tựu Trung Đạo tam-muội.

Tam Quán dựa theo giáo nghĩa được giảng trong phẩm Hiền Thánh Học Quán của Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp Kinh mà lập ra, gồm

1.Không Quán (Nhị Đế Quán) : Không có nghĩa là lìa cả Tánh và Tướng. Do quán thấy một niệm tâm chẳng phải ở trong, ngoài, khoảng giữa, nên gọi là Không. Hễ một thứ không, thì hết thảy mọi thứ đều không. Nói đơn giản, nhận biết quan điểm của thế tục là Giả (vì không khế hợp chân tướng sự thật), tiến nhập sự thấy biết đúng với chân lý (Không), thấy thấu suốt bản thể của các pháp là Không, nên gọi là Không Quán.2

2.Giả Quán (Bình Đẳng Quán) : Quán một niệm tâm đầy đủ hết thảy pháp, chẳng dừng nơi Không, tiến nhập Phật trí chiếu khắp hết thảy cảnh giới thuộc Tục Đế.

3.Trung Quán (Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Quán) : dứt bặt mọi đối đãi, chẳng chấp vào Không Quán lẫn Giả Quán, Không Quán và Giả Quán cùng viên dung.

Như vậy, theo thứ tự thông thường : Dùng Không Quán để phá kiến chấp Tục Đế, chứng nhập Chân Đế. Rồi từ đó, dùng Giả Quán để từ Chân chiếu Tục, quay trở lại Tục Đế, tùy duyên mà hóa độ, không chấp trước, hiểu rõ Tục Đế là giả, nhưng chẳng chấp trước vào Không, chẳng bỏ bi nguyện độ sanh. Từ Không Quán và Giả Quán tiến lên Trung Quán để chứng nhập chân lý rốt ráo. Tu tập theo kiểu này gọi là Thứ Đệ Tam Quán.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.