Thiên Vận

● Thiên: Văn tự trong một bài, cả từ đầu chí cuối, gọi là một thiên, như Thượng thiên, Hạ thiên… Vận: Vần bình vần trắc v.v…

● Là tên gọi gộp chung hai bộ sách Ngọc Thiên và Quảng Vận. Sách Ngọc Thiên là một loại tự điển cổ xưa do Cố Dã Vương biên soạn dưới đời Lương vào thời Nam Bắc Triều, phỏng theo cách biên soạn của bộ Thuyết Văn Giải Tự, nhưng cải tiến, hợp lý hơn, gồm ba mươi quyển, 16.917 chữ, chia thành 542 bộ thủ. Với mỗi chữ có ghi âm đọc theo cách Phiên Thiết (tức dùng hai chữ đã biết ghép lại nhằm giải thích âm đọc. Chẳng hạn, chữ 詮 được chú âm cách đọc là Thả Duyên thiết, nên phải đọc là Thuyên). Sơ Tổ Chân Ngôn Tông của Nhật Bản là ngài Không Hải vào năm 806 đã mang tác phẩm này về Nhật, và dựa theo đó để biên soạn bộ Tenrei Basho Meigi (Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa), tức là bộ tự điển đầu tiên của Nhật. Quảng Vận có tên gọi đầy đủ là Đại Tống Trùng Tu Quảng Vận, do nhóm Trần Bành Niên biên soạn trong niên hiệu Tường Phù đời Tống Chân Tông, là một bộ sách được biên tập từ các vận thư (sách dạy cách gieo vần trong khi làm thơ phú, chữ nào vần với chữ nào) trước đó như Thiết Vận, Đường Vận v.v… Nội dung sách rất rắc rối, chia các chữ Hán thường dùng thời đó (26.194 chữ) thành bốn loại dựa theo dấu giọng (bình, thượng, khứ, nhập) rồi với mỗi giọng lại chia thành các vần, thành hai trăm lẻ sáu hệ thống vần chính. Do vậy, từ ngữ “thiên vận” thường được dùng để chỉ các loại từ điển và sách dạy gieo vần nói chung.

This entry was posted in . Bookmark the permalink.