● Là không sợ sệt, tức là đức tính tự tin, dũng mãnh, không có gì làm cho mình sợ sệt; nhờ đức tính này mà công việc giáo hóa độ sinh được dễ dàng, không bị trở ngại. Phật và Bồ-tát đều có bốn đức tính (tứ vô úy, hay tứ vô sở úy) này, nhưng không giống nhau:
A) Bốn Đức vô úy của Phật:
1) Nhứt thế trí: Phật biết rõ tất cả các pháp, luôn luôn trụ nơi chánh kiến, rất tự tin, không có gì làm cho sợ sệt.
2) Lậu Tận: Phật đã dứt tuyệt mọi phiền não, không một thứ chướng nạn nào làm cho sợ sệt.
3) Thuyết chướng đạo: Phật chỉ rõ các phương pháp tu tập để vượt chướng ngại, không một lời cật vấn nào làm cho sợ sệt.
4) Thuyết tận khổ đạo: Phật chỉ bày cặn kẽ con đường dứt tuyệt khổ đau mà không có gì làm cho sợ sệt.
Bốn điều này Phật đối giữa Ðại Chúng các hàng Thiên Ma, Phạm Thiên, Sa Môn, Bà La Môn, nói một cách tự tại không sợ ai, không ai nói đuợc nên gọi là “Vô Úy”.
B) Bốn Đức vô úy của Bồ-tát
1) Bồ-tát thọ trì giáo pháp không xao lãng, cho nên rất tự tin khi thuyết pháp trước đại chúng, không có gì làm cho sợ sệt.
2) Bồ-tát biết rõ căn tánh của chúng sinh, cho nên khéo léo hướng dẫn chúng sinh tu tập, lòng rất tự tin, không có gì làm cho sợ sệt.
3) Bồ-tát khéo léo giải đáp tất cả mọi câu hỏi đúng như chánh pháp, không có gì làm cho sợ sệt.
4) Bồ-tát khéo léo giải tỏa tất cả mọi nghi nan đúng như chánh pháp, không có gì làm cho sợ sệt