Người giàu sang tự tin nhờ trang sức, hàng hiệu, của cải; người quyền thế ỷ vào chức tước; người có học hàm học vị tự cho mình hơn người; hiện tượng này trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay. Vì coi trọng tiền bạc, danh vọng và bằng cấp nên người ta dễ nảy tâm coi khinh kẻ nghèo hèn.
Hai câu chuyện dưới đây là bài học lịch sử cho những ai còn dương dương tự đắc.
Bài học nhớ đời cho quan huyện hống hách
Thời nhà Lê, có một viên quan huyện hách dịch, hay hà hiếp nhân dân. Một hôm, đoàn rước quan huyện đi qua, dân trong vùng biết quan huyện hay bắt người dọc đường khiêng cáng nên bảo nhau trốn chạy cả. Chỉ duy có một người đàn ông nọ vẫn ung dung ngồi nghỉ chân ở quán nước bên đường.
Lính hầu của quan huyện y như rằng bắt ông này ra khiêng cáng. Ông khúm núm bước lại, ghé vai khiêng cáng. Khi cáng quan đi đến chỗ bùn lội, ông giả bộ như vô tình trượt chân văng cáng, hất quan huyện ngã chỏng gọng giữa vũng, áo, mũ, cân đai bê bết bùn.
Quan huyện đỏ tím mặt mày vì giận, đang toan đổ cơn thịnh nộ lên đầu kẻ hầu hạ mình thì người đàn ông vẫy người đi đường, nói lớn:
– Bác gọi hộ anh học trò tôi là thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy.
Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp xuống bùn lạy như bổ củi, cầu xin tha tội.
Thì ra, người đàn ông áo vải này chính là Lương Thế Vinh. Ông đỗ trạng nguyên dưới thời Lê Thánh Tông, làm quan tại Viện Hàn Lâm, là nhà toán học, Phật học, nhà thơ lỗi lạc. Lương Thế Vinh rất ghét những viên quan hống hách, hà hiếp nhân dân. Ông có nhiều học trò giỏi đỗ cao, làm quan lớn. Với học trò nào ông cũng dạy về lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Tài đức của Lương Thế Vinh lừng lẫy thiên hạ, khi ông mất, vua Lê Thánh Tông tiếc thương làm thơ rằng:
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta
Con trai của người “ăn mày” thống lĩnh thiên hạ
Cuối triều Nguyên, xã hội rối ren, chính trị hà khắc, lao dịch nặng nề, dân chúng lầm than. Trong dân gian lưu truyền câu đồng dao: “Thạch nhân một con mắt, phát động dân chúng Hoàng Hà lật đổ thiên hạ.” Triều Nguyên có cao nhân suy đoán rằng vùng An Huy sẽ có chân long thiên tử xuất thế, lớn lên sẽ khởi nghĩa tiêu diệt nhà Nguyên. Hoàng đế nhà Nguyên vội vàng hạ lệnh giết chết tất cả thai phụ của vùng An Huy.
Khi ấy, nhà ai có thai phụ đều phải chạy trốn khắp nơi. Cha mẹ của Chu Nguyên Chương cũng bị bức phải bỏ nhà đi trốn, dọc đường đi phải ăn xin, không ngờ trên đường lại gặp phải một đội quân Nguyên. Cha mẹ Chu áo quần rách rưới, chẳng khác gì ăn mày. Đội quân Nguyên đó vây lấy Chu mẫu thân đang mang thai lớn tiếng cười ha hả, chế giễu rằng: “Cái thứ ăn mày nghèo kiết xác còn có thể sinh hạ chân long thiên tử sao? Thật là quá nực cười.”
Sau khi cười giễu một hồi, chúng nghênh ngang bỏ đi. Ba người nhà họ Chu giữ được tính mạng.
Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử an vui mà không kiêu căng; kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không an vui.” E. F. L. Wood cũng nói: “Giá trị đích thực cũng như dòng sông, càng sâu bao nhiêu càng bớt ồn ào bấy nhiêu.” Các bậc thánh hiền từ xưa đến nay đều khuyên nhủ chúng ta phải biết khiêm tốn, nhu hòa, như dòng sông sâu thẳm dung chứa hết thảy người trong thiên hạ. Lại cũng nói, dầu trong hoàn cảnh hiện tại một người chẳng có tiền, có quyền, nhưng biết đề cao đạo đức, có ý chí hào kiệt, người ấy nhất định “không thành công thì cũng thành nhân.”