Vô niệm chân hay giả?

Hỏi:
Giữa hai ý niệm là khoảng không tức là vô niệm, vô niệm này chân hay giả vô niệm?

Đáp: 
Trong Pháp Bảo Đàn giải thích hai chữ vô niệm: vô niệm không phải không có một niệm nào hết, tức là bản niệm không sanh diệt. Thiền tông nói vô tâmvô niệm: Chớ nói vô tâm là cao nhất, vô tâm cũng còn cách rất xa. 
Nếu trụ chỗ vô niệm thì không thể đến chỗ giác ngộ cuối cùng. Vô niệm là vô thỉ vô minh, chỗ này không có khởi lên một niệm. Khi vô thỉ vô minh bị kích thích thì nổi lên một niệm, gọi là nhất niệm vô minh. Nhất niệm vô minh đã khởi thì có cuộc sống hằng ngày. 

Ngài Nguyệt Khê nói trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận “mình gặp việc vui cho vui là nhất niệm vô minh, gặp việc buồn cho buồn là nhất niệm vô minh”, tức là gặp việc gì cho là gì là hóa thân của nhất niệm vô minh. Dứt hết nhất niệm vô minh trở về vô niệm thành vô thỉ vô minh

Thiền tông đến chỗ vô thỉ vô minh cần phải tiến lên một bước, phá tan vô thỉ vô minh được kiến tánh thành Phật, tức giác ngộ cuối cùng; cũng là bản tánh của mình hiện ra cùng khắp không gian thời gian, bằng như chư Phật không hơn kém một chút nào cả.