Vườn Táo – Hàng Trăm Mọi Thứ – Tổ Kiến

Ajahn Chah

VƯỜN TÁO

Nếu bạn hỏi mọi người tại sao họ được sinh ra thì họ bối rối ngay, bởi vì người ta bị đắm chìm trong thế giới cảm quan và hiện hữu hay sự “Có”. Chẳng hạn, ta có một vườn táo và rất ưa thích nó. Nếu không dùng trí tuệ để quán chiếu thì nó sẽ biến thành Hữu hay là Có.

Tại sao vậy? Giả sử trong vườn có một trăm cây táo và ta xem chúng là những cây táo của chúng ta. Thế là ta sẽ tái sinh thành những con sâu nằm trong mỗi cây táo đó. Mặc dầu thân thể ta đã đi về nhà, nhưng tâm ta vẫn dính mắc với từng cây táo. Sở dĩ có sự hiện hữu, bởi vì ta dính mắc vào quan kiến, cứ khư khư chấp giữ rằng đó là những cây táo của ta, đó là vườn táo của ta. Nếu có ai đốn ngã một cây táo của ta, ta sẽ chết theo cây táo đó. Ta sẽ giận dữ và đi tìm cho ra lẽ. Ta sẽ đánh lộn và có thể giết chết người đã cả gan đốn ngã cây táo của ta. Cãi cọ nhau, đó là sinh. Ta sinh ra ngay lúc ta chấp giữ một vật gì là của ta. Sinh, được sinh ra từ chỗ chấp giữ đó. Mặc dầu có đến cả ngàn cây táo, nhưng nếu ai chặt ngã dầu chỉ một cây là chặt luôn ta đó. Dính mắc chấp giữ vào vật gì là sinh ra ngay từ đó, hiện hữu ngay tại đó.

HÀNG TRĂM MỌI THỨ

 Người ta chỉ nghĩ đến niềm vui khi làm chủ một vật gì mà chẳng hề nghĩ đến những cái rắc rối kèm theo. Khi còn là một sadi tôi thường nói đến hạnh phúc của sự giàu sang, có hàng trăm tôi trai tớ gái, hàng trăm trâu bò và hàng trăm các thứ khác v.v… Người ta thường nghĩ như vậy đó. Nhưng bạn hãy tưởng tượng xem, phải chăm nom săn sóc cho một trăm con bò, một trăm con trâu, chưa kể đến hai trăm tôi trai tớ gái, sẽ khổ sở dường nào? Người ta chẳng hề nghĩ đến những điều khó khăn này. Họ chỉ nghĩ đến việc có nhiều của cải, trâu bò, tôi trai tớ gái mà thôi. Theo tôi thì năm chục con là quá nhiều rồi, chỉ một việc cột dây xỏ mũi cho chúng, cũng khiến bạn nhức đầu. Nhưng mấy ai nghĩ đến điều này? Họ chỉ muốn có càng nhiều của cải càng tốt.

TỔ KIẾN

Khi ngồi thiền, ta muốn tâm an tịnh, nhưng tâm cứ vọng động. Ta không muốn suy nghĩ nhưng tâm cứ suy nghĩ. Chẳng khác nào người ngồi trên tổ kiến, kiến cắn muốn điên luôn. Tại sao vậy? Bởi vì khi tâm còn trong thế gian thì dầu cho có ngồi yên nhắm mắt, cũng chỉ thấy các chuyện thế gian. Vui thích, hân hoan, lo âu, sầu muộn, băn khoăn thắc mắc v.v… tất cả đều nổi lên, bởi vì ta chưa hiểu giáo pháp. Nếu tâm cứ như vậy thì không thể nào chịu đựng, không thể nào quán chiếu được các pháp của thế gian. Khi tâm ở trong thế tục là ta đang ngồi trên tổ kiến. Vì ngồi ngay trên tổ kiến lửa thì kiến phải cắn thôi. Vậy phải làm sao đây? Chỉ có cách rời xa tổ kiến thôi.

Người dịch: Tỳ khưu Khánh H