Ý nghĩa danh hiệu Đại Thế Chí và sự động đất ?

Hỏi: Danh hiệu Đại Thế Chí có ý nghĩa gì? Và trong kinh có nói: Khi Phật ra đời đại địa rúng động. Vậy xin hỏi: hiện tượng quả đất rúng động nầy có giống với hiện tượng động đất hiện nay không?

Đáp: Danh hiệu Đại Thế Chí là tiêu biểu cho người có một trí huệ siêu việt và một ý chí, nghị lực phi thường. Ngài là một vị Bồ tát hầu cận bên đức Phật Di Đà. Căn cứ theo tượng Tam Thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí) thì Ngài đứng bên hữu và Bồ tát Quán Âm đứng bên tả. Ngài tiêu biểu cho đại trí huệ. Bồ tát Quán Âm tiêu biểu đại từ bi. Bi và trí  phải song vận. Cả hai không thể thiếu một trong sự tu hành, cũng như khi ra giáo hóa. Thế nên Bồ tát Đại Thế Chí và Bồ tát Quán Âm không tách rời nhau.

Ngài luôn dùng trí huệ soi sáng để hóa độ chúng sanhcõi đời uế trược nầy.Vì trí huệ có công năng phá tan mọi si mê. Hình ảnh của Ngài nói lên một sức mạnh trí huệ phi thường mà người tu hành cần phải có. Nhờ có trí huệ chỉ đạo nên mới dẹp trừ hết vô minh phiền não.

Có như thế, thì hành giả tu hành mới mau được giải thoát. Nên mỗi khi niệm đến danh hiệu Ngài, chúng ta nhớ đến trí huệ sáng ngời và ý chí kiên cường dũng mãnh của Ngài. chúng ta quyết noi gương Ngài và kiên quyết vượt thắng mọi chướng duyên thử thách trên bước đường tu học. Có thế, thì mới xứng đáng niệm danh hiệu Ngài. Và chúng ta mới có được lợi ích.

Còn nói Phật ra đời, cả đại địa đều chấn động, đây cũng là một sự tiêu biểu mà thôi. Thường khi có một vị Thánh nhơn ra đời, thì có những hiện tượng khác thường. Điều nầy nói lên một sự kỳ đặc mà người thường không bao giờ có. Sự chấn động đó không phải là như động đất hiện nay. Nếu cả đại địa đều động đất như hiện nay, thì cả nhơn loại làm sao sống sót. Như vậy, Phật ra đời có ích lợi gì cho nhơn loại đâu? Chẳng những không đem đến sự lợi ích cho nhơn loại, mà còn hủy diệt nhơn loại nữa. Như thế, sao gọi là Phật được?

Hiện tượng động đất hiện nay là một hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên. Đó là dấu hiệu cho chúng ta biết quả địa cầu đã đến hồi nứt rạn và đi lần đến tan hoại.