Làm Vua Bảy Ngày

Đan Tâm

Một hôm, vua A Dục gọi một vị đại thần vào cung. Sau khi nghe vua dặn dò cặn kẽ, vị đại thần vâng chỉ thi hành…

Ngày nọ, lúc trời chạng vạng tối, vua A Dục đang tắm thì vị đại thần cùng Thường Tu bước vào nội cung. Thấy vua vắng mặt mà vương mão cùng long bào thì bày ngay đấy, đại thần bèn nói với Thường Tu rằng:

Thân vương! Tướng mạo của ngài và Đại vương thật giống nhau, nếu ngài khoác long bào vào thế nào cũng có người lầm tưởng ngài là vua A Dục.

Thường Tu biết làm việc ấy là phạm pháp nhưng tâm hiếu kỳ thúc đẩy, ông bèn mặc long bào và đội vương mão lên. Ðúng ngay lúc ấy A Dục bước ra, thấy thế nổi giận, mắng Thường Tu rằng:

– Ngươi thật to gan, dám mặc áo mão của ta, có phải là ngươi muốn làm phản không?

Chứng cớ đã rành rành, Thường Tu không chối chạy vào đâu được! Vua A Dục hạ lệnh:

– Ðem hắn ra ngoài chém đầu!

Vị đại thần vội vàng chạy đến can gián:

– Ðại vương! Thường Tu là em vua, không phải là người ngoài, hơn nữa đây là lần đầu tiên xúc phạm, xin đại vương tha tội!

Vua A Dục nhìn nét mặt ủ dột của Thường Tu, rồi đột nhiên hỏi:

– Ta hỏi thật, ngươi thích làm vua phải không?

Tuy rất thích, nhưng thần không dám vọng tưởng.

Thường Tu lí nhí trả lời.

– Làm vua thì vui sướng ở chỗ nào?

Thường Tu đã lấy lại bình tĩnh, trả lời rằng:

Vua là người được tôn trọng nhất nước, những khoái lạc vua hưởng kể ra không hết, những diễm phúc vua có thì vô tận… như thế không phải vui sướng là gì?

– Ðược! Ngươi đã muốn làm vua thì ta nhường ngôi cho ngươi bảy ngày, mãn kỳ hạn ấy, ngươi sẽ bị xử tử.

Thường Tu rất sợ chết, mỗi ngày làm vua thêm mỗi bất an. Không những ông không hưởng thụ được gì mà còn lo âu đến nỗi hình dung tiều tụy. Bảy ngày trôi qua, A Dục lên ngôi báu trở lại, trước văn võ bá quan, vua hỏi Thường Tu rằng:

– Ngươi làm vua bảy ngày, hẳn là đã hưởng thụ rất nhiều dục lạc?

Thường Tu cúi đầu trả lời:

– Bảy ngày vừa qua thật sự đệ không nghe, không thấy gì hết, chỉ nghĩ đến án tử nói chi tới chuyện hưởng thụ…

A Dục hết sức vui lòng, thuyết giảng giáo pháp liên quan tới sự đau khổ của nhân sinh, nhất là vấn đề sinh tử khiến Thường Tu cảm động rơi lệ, phát tâm quy y Phật giáo.

(Kể theo Phật giáo cố sự đại toàn)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Quyền lực, địa vịdanh vọng là mơ ước, khát khao của nhiều người. Chinh phục được đỉnh cao danh vọng đã cực kỳ khó nhưng giữ vững và sống an lành hạnh phúc trên ngôi cao ấy lại càng khó hơn.

Những ai đã từng chinh phạt ngược xuôi, bước lên thềm vinh quang đều trải nghiệm điều này. Ấy thế mà người đời khi nhìn vào những thành công, ít người thấu hiểu cái giá mà họ phải trả, có khi phải bằng máu và nước mắt.

địa vị càng cao, công việc càng nhiều và trách nhiệm càng lớn, đâu phải là lên đó rồi ngồi yên mà hưởng thụ. Tất cả những nhà lãnh đạo, dù lớn hoặc nhỏ, kể cả lãnh đạo Giáo hội cũng không phải là ngoại lệ. Đó là chưa kể đến lúc bước lên đỉnh điểm công danh, tạo dựng được cơ nghiệp vẻ vang thì tuổi đời đã ngả sang xế chiều hoặc gần hoàng hôn của cuộc đời. Họ sắp phải đối diện với một sự thật, dù chẳng ai muốn, đó là cái chết.

Đối với đời sống con người, án tử luôn treo lơ lửng trước mặt và sau khi chết ta sẽ về đâu luôn là điều tâm niệm. Tất cả những sự nghiệp thế gian đều không trường cửu, rồi ta cũng phải bỏ nó mà đi.

Thường Tu làm vua nhưng chỉ nghĩ đến sanh tử nên tắt ngấm mọi dục vọng, chẳng móng tâm tư lợi. Cũng vậy, người tu hành nếu luôn tâm niệm vấn đề giải quyết sanh tử thì dễ dàng buông bỏ những ràng buộc của thế thường.