Hai Viên Gạch Xấu Xí

Lê Đàn

Khi đến vùng đất mới, các vị sư phải xây dựng lại mọi thứ. Họ mua cát, gạch, các dụng cụ và bắt tay vào việc.

Một chú tiểu được giao xây dựng bức tường gạch. Chú làm việc rất tập trung, luôn kiểm tra xem các viên gạch đã thẳng chưa, có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên chú không lấy đó làm phiền vì biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp lần đầu tiên trong đời.

Cuối cùng, chú tiểu cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có cái gì đó đập vào mắt; mặc dù chú đã rất cẩn thận song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt trừng trừng nhìn chú.

Kể từ đó, mỗi khi du khách đến tham quan, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ việc đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi chùa. Chú tiểu đã cố tình lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên:

– Ôi! Bức tường gạch mới đẹp làm sao!

Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên:

– Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?

Vị sư già từ tốn:

– Có chứ, nhưng tôi cũng thấy những viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời làm sao!

(Theo sách Học làm người)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Quan niệm “tốt khoe, xấu che” vốn ăn sâu vào tâm thức của con người. Chú tiểu và hai viên gạch xấu xí trong câu chuyện trên không phải là trường ngoại lệ.

Hãy xem người thợ mộc đóng tủ, gỗ tốt trưng ra mặt trước, còn lại mặt sau thì để những tấm gỗ xấu hơn vì mấy ai ngắm nhìn đằng sau cái tủ. Người tiều phu bán than củi cũng biết giấu đi những hòn than, những cây củi nhỏ vào bên trong; còn bên ngoài là những cây củi, hòn than to làm mặt cho đẹp. Người thợ mộc, người bán than còn có chỗ để che giấu cái xấu xí, nhưng một khi cái xấu kia không có chỗ đậy che thì hầu như ai cũng cảm thấy ngượng ngùng hổ thẹn với mọi người.

Đôi khi chúng ta qua cầu toàn nghiêm khắc với bản thân mình, cứ luôn nghiền ngẫm những lầm lỗi ấy và quy trách nhiệm cho chúng ta, mà quên mất cái phần quan trọng  là những điều tốt lành mà chúng ta đã làm được. Đó là kết quả rất đáng tự hào về những nỗ lực hết mình trong công việc. Người xưa dạy “nhân vô thập toàn” để an ủi khích lệ chúng ta mỗi khi vấp phải lỗi lầm trên lộ trình tiến đến sự hoàn hảo.

Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng đi những điều tốt đẹp họ đã làm.

Thật vậy, con người luôn mơ ước chinh phục được đỉnh cao chân thiện mỹ. Nhưng để trở thành con người “thập toàn” mẫu mực là khó, không dễ tìm con người ấy giữa cuộc sống đời thường. Biết thế nhưng con người vẫn tin vào một tương lai nỗ lực phấn đấu để có thể vươn tầm tay nắm bắt được sự hoàn hảo. Nhưng trước mắt, chúng ta cũng cần phải bằng lòng chấp nhận sống vui với cái hiện tại mình đang có là “hai viên gạch xấu xí” đang nằm giữa một bức tường đẹp; chúng ta cần phải học cách rộng lượng với người khác và cả chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là nơi mà ở đó, lỗi lầm được tha thứ.

Những người con Phật chúng ta luôn sống với tinh thần trung đạo, không thể quá nghiêm khắc cầu toàn tuyệt đối. Như bức tường kia chỉ có hai viên gạch xấu xí giữa những viên gạch hoàn hảo, một tỉ lệ như vậy đã là quá tuyệt vời cho chú tiểu còn non trẻ tay nghề. Cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta học cảm nhận cái đẹp giống như hai vị sư già trong câu chuyện và cũng thốt lên lời khen khi đứng trước công trình ấy: Ôi! Bức tường gạch mới đẹp làm sao!

Comments are closed.