Chuyện kể rằng, có một con hổ đói đang đi kiếm mồi thì bắt được một con cáo. Hổ định ăn thịt cáo, còn cáo biết mình khó mà thoát khỏi móng vuốt hổ bèn bình tĩnh nói với hổ rằng:
– Ngươi to gan thật đấy. Ta được thần linh trên trời cử xuống đây làm vua bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta thì sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của thần linh.
Hổ không tin, cáo bèn bảo:
– Nếu ngươi không tin thì đi đằng sau làm hộ vệ cho ta, ngươi sẽ thấy muôn loài trong khu rừng khi gặp ta đều tỏ vẻ khiếp sợ cho xem.
Hổ nghe cáo nói thì bán tín bán nghi, liền đồng ý đi sau lưng cáo. Cáo biết hổ đã mắc mưu, liền ưỡn ngực đi trước một cách oai vệ. Quả nhiên, mọi con vật trong khu rừng khi thấy cáo và hổ đều sợ hãi chạy trốn cả. Hổ tin là thực nên không ăn thịt cáo.
Có biết đâu rằng muôn loài hoảng sợ vì thấy hổ đi đằng sau, chứ cáo thì chúng chả coi ra gì.(Theo Truyện ngụ ngôn Trung Quốc)
—o0o—
Bài Học Đạo Lý
Chuyện Cáo mượn oai hổ (Hồ giả hổ uy) được đại thần Giang Ất viện dẫn để giải thích với Sở Hoàn Vương (thời Chiến Quốc) rằng: Nguyên soái Chiêu Hề Tuất, người được Sở Hoàn Vương trao quyền thống soái quân đội, uy danh lừng lẫy, quần thần và các nước láng giềng đều khiếp sợ, nhưng người được muôn dân kính sợ nhất là Sở Hoàn Vương chứ không phải Chiêu Hề Tuất. Đại thần Giang Ất kết luận: Chiêu Hề Tuất cũng giống con cáo kia vậy, còn nhà vua mới đích thực là con hổ.
Thì ra, chuyện dựa hơi, núp bóng kiểu “cáo mượn oai hổ” để hoạnh họe, uy hiếp kẻ yếu có từ rất xa xưa, và ngày nay vẫn nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí còn được coi là khôn khoan, lọc lõi của bọn cáo già.
Ở đời, “cáo mượn oai hổ” để tranh danh đoạt lợi, vinh thân phì gia, âu cũng là lẽ thường. Tuy là lẽ thường, nhưng cáo vẫn là cáo, vẫn là phường gian manh, núp bóng ô dù để hung hăng và trục lợi, chẳng ai coi chúng ra gì.
Trong nhà đạo hiện nay, chuyện “cáo mượn oai hổ” cũng không phải hiếm. Chúng ta đã quá quen với những câu đại loại như: Đây là ý của “các cụ”, “các cụ” chỉ đạo như thế,“các cụ” dạy dĩ hòa vi quý, “các cụ” bảo thanh tịnh (im lặng) v.v… và v.v… Đem “các cụ” ra là xong hết, vì ai cũng biết câu “Cung kính bất như phụng mạng”. Quan sát kết quả của những khẩu dụ ấy và tác dụng đa chiều của nó đến hiện trạng đạo pháp khiến cho người ta ngờ rằng chuyện “cáo mượn oai hổ” mang tính thời sự hơn là cổ tích xa xưa.
Cái oai của hổ thì có thật, loài nào cũng biết. Nhưng còn cái “oai” của cáo thì mọi loài đều biết và chính cáo cũng thừa biết. Điều quan trọng là hổ có biết mình đang bị cáo lợi dụng, bị mắc lừa cáo hay không? Dù cáo khôn ranh đến mấy phải nên biết rằng, còn bóng hổ đằng sau, muông thú đều sợ hãi bỏ chạy khi thấy cáo. Nhưng khi hổ đi rồi thì cáo hãy coi chừng. Khôn ngoan thì cáo hãy chui xuống hang mà ẩn hoặc chờ đêm đến hãy chui lên kiếm ăn, đừng có ló đầu lên ban ngày giữa ánh sáng mặt trời, vì trong rừng còn có voi, gấu và cả đại bàng…
NGUYÊN CAO