Thiền sư Chương trên đường du phương học đạo, dừng chân tại tu viện của Thiền sư Đầu Tử.
Một ngày nọ, sau buổi lao tác, Thiền sư Đầu Tử mời Thiền sư Chương một chén trà, hỏi:
– Chén trà này như thế nào?
Thiền sư Chương hai tay nhận lấy chén trà, nói:
– Sum la vạn tượng đều ở trong này.
– Sum la vạn tượng đều ở trong này, nói như thế thì chén trà này khác thường với những chén trà khác, nếu tùy tiện uống vào, ai biết được điều gì xảy ra?
Thiền sư Chương dường như rất tâm đắc với chính mình nên khi Thiền sư Đầu Tử chưa nói xong liền đổ chén trà, hỏi tiếp:
– Sum la vạn tượng ở đâu?
Thiền sư Chương tự nghĩ như thế là đã đạt được thiền cơ, nhưng không ngờ Thiền sư Đầu Tử bình thản nói:
– Đáng tiếc! Một chén trà!
Thiền sư Chương nói:
– Đây chỉ là một chén trà.
Thiền sư Đầu Tử không bỏ qua cơ hội lặp lại:
– Mặc dầu chỉ là một chén trà nhưng sum la vạn tượng đều ở trong đó! (Theo Chan Gushi)
—o0o—
Bài Học Đạo Lý
Thưởng trà là một thú tao nhã, nhất là những ngày nhàn được nhâm nhi chung trà một mình hay với bè bạn càng thú vị hơn. Trà được nhiều người ưa dùng, tùy theo quan niệm của mỗi người, mỗi nơi mà có cách uống trà khác nhau. Trong chốn thiền môn, trà và cách thưởng trà là một đề tài được quan tâm khá đặc biệt, vì không chỉ đơn thuần là trà và uống trà, mà đôi khi đó là thiền, là đạo.
Ngày xưa, Thiền sư Triệu Châu hay mời các thiền giả và môn sinh uống trà. “Uống trà đi!”, lời mời hay lời dạy đạo của ngài đã trở thành một công án thiền lừng danh. Không biết trà của Triệu Châu thơm ngon và đậm đà thế nào mà đến nay hương vị vẫn còn thoang thoảng nơi cửa thiền.
Thiền sư Đầu Tử mời Thiền sư Chương uống trà, việc quá bình thường với cả hai người và mọi người. Nhưng Đầu Tử bất chợt đặt ra vấn đề “Chén trà này như thế nào?”. Thiền cơ của Đầu Tử nhanh như điện chớp, chén trà hay thực tại hiện tiền? Thiền sư Chương nhờ siêng năng thiền quán nên luôn thấy tính duyên khởi nơi chén trà liền ứng khẩu: “Sum la vạn tượng đều ở trong này”. Cái thấy của Thiền sư Chương thật sâu xa, thấy “núi không phải là núi”, thấy “hạt cải dung chứa cả tam thiên đại thiên thế giới”.
Thật thú vị khi chén trà bé như hạt mít mà giờ đây đã trở thành chuyện to như thế giới, vũ trụ. Biết Thiền sư Đầu Tử ghi nhận cái thấy của mình, Thiền sư Chương bất ngờ phản công, không uống mà hất đổ chén trà xuống đất. Thiền sư Chương muốn nói “thấy vậy mà không phải vậy” chăng? Thấy sum la vạn tượng trong một chén trà đã là tuệ giác lớn, nhưng chưa thể nhập thực tại, do vậy mà phải vượt lên.
Nhưng thực tại vẫn đang là chén trà. Thay vì “Uống trà đi” như Triệu Châu, Thiền sư Chương đã đánh mất cơ hội nên Đầu Tử xuýt xoa “Đáng tiếc”. Vì chén trà chỉ là “Một chén trà”. Ở đây và bây giờ, thực tại siêu việt ngôn ngữ và suy lường. Rồi khi Thiền sư Chương tìm về với thực tại “Đây chỉ là một chén trà” thì chén trà không còn như nhiên nữa nên Đầu Tử gạt luôn: “Mặc dầu chỉ là một chén trà nhưng sum la vạn tượng đều ở trong đó”.
Cũng là uống trà nhưng đồng thời là tu đạo, kiến đạo và thể nhập đạo. Đó là cái thâm thúy của công phu trà, đạo trà.