Phàm hữu ngôn thuyết, đô vô thật nghĩa
Phàm hễ nói bàn, đều không thật nghĩa
Ở đời, việc gì chúng ta càng bàn luận lý giải còn đi xa rời thực tế. Cũng như có hai người tranh luận chắc chắn không đi tới đâu mà có thể đưa tới chỗ xung đột nhau. Ðó là hệ luận muôn đời của con người trên thế gian, nên chư Phật lưu ý ta rằng tám nạn dữ ở đời thì tài biện bác giỏi là một trong số đó.
Trong pháp tứ y (bốn việc y cứ) Phật dạy: y pháp bất y nhơn, y nghĩa bất y ngữ. Ðây là pháp y cứ thứ hai, y nghĩa bất y ngữ để không rơi vào chỗ thế trí biện thông, tức là dùng tài biện bác suông mà không chịu bắt tay thực hành cũng chỉ vô ích mà thôi. Ðây cũng là một căn bịnh, căn bịnh khá trầm kha mà không thuốc nào chữa khỏi cả. Ðã có lắm người trí thức, nhưng chỉ trí thức bàn giấy, còn đi vào thực tế của đời sống tâm linh cũng không khác anh học trò mới học A,B,C. Cho nên câu “năng thuyết bất năng hành” của ta có thể ứng dụng trong trường hợp này cũng không xa mấy. Thật vậy, người ưa ngôn thuyết (nói bàn suông) là người không bao giờ chịu bắt tay vào việc làm cụ thể, tức là không thực tế mà không thực tế là vô nghĩa hay cũng chính không thật nghĩa theo cái nhìn phổ thông của nhiều người.
Ðiều nhắc nhở ta rút tỉa bài học như sau:
Tu hành quí ở chỗ thực hành chứ không chỉ nói bàn suông, vì càng nói bàn là càng sai lầm và đi tới chỗ cục bộ, cố chấp không phương giải thoát được. Vì đó chính là căn bịnh hay nói nôm na là căn bịnh trí thức. Những người trí nên suy nghĩ kỹ để tránh sai lầm mà đáng ra không mắc phải mới xứng danh kẻ sĩ qua không gian và thời gian làm biểu tượng cho đời.