Một đệ tử của Soyen Shaku kể lại:
Thầy dạy chúng tôi thường mỗi buổi trưa hay ngủ một giấc ngắn. Chúng tôi hay trẻ con hỏi ông, tại sao ông ngủ như vậy thì ông trả lời: “Ta đi vào cõi mộng để gặp những ông Thánh đời xưa như Khổng Tử vậy”. Khi Khổng Tử ngủ ông mơ thấy các ông Thánh xưa và sau đó ông kể lại cho đệ tử của ông nghe!
Một hôm trời nóng nực cực độ, vài đứa chúng tôi ngủ trưa một chút. Thầy chúng tôi mắng. Chúng tôi giải thích: “Thưa thầy, chúng con vào cõi mộng để gặp các ông Thánh xưa như Khổng Tử vậy “
Thầy chúng tôi hỏi:
– Thế những ông Thánh đó nhắn gởi điều gì?
Một đứa chúng tôi trả lời :
– Chúng con đi vào cõi mộng có gặp mấy ông thánh và hỏi các ổng Thầy chúng con có đến đây mỗi buổi trưa gặp các Ngài không?
Nhưng các ổng lắc đầu bảo rằng không bao giờ các ổng nhìn thấy một người nào hết!
CÂU HỎI GỢI Ý
1) Thầy ngủ trưa không bị ai la rầy. Tại sao học trò ngủ trưa bị Thầy mắng?
2) Hãy cho biết cậy thế hiếp cô, ỷ lớn hiếp bé có nhằm trong trường hợp này không?
3) Lời nói đi gặp Thánh nhân trong mộng của Thầy và sự mạo hiểm của học trò có ăn khớp với nhau không? Thầy có lỗi gì và trò có lỗi không?
4) Người không biết mà tự cho mình biết ấy chính là người ngu. Người biết tự nhận mình không biết đó mới thật là kẻ trí. Bạn hiểu thế nào về hai hạng người này ở đời?
5) Câu tục ngữ Việt Nam nói rằng “vỏ quít dày có móng tay nhọn” có thể áp dụng cho trường hợp câu chuyện Thầy trò như trên không?
NHẬN XÉT GÓP Ý
1/ Có vị thiền sư nói rằng khi chưa tu thiền thì thấy sông là sông, núi là núi. Lúc thật sự dấn thân vào đường tu tập rồi hẳn thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Và sau một thời gian tu tập lại thấy sông vẫn là sông, núi vẫn là núi v.v…Tâm con người trong mỗi giai đoạn cuộc đời khác nhau rất nhiều. Không thể sánh ví cái lão luyện của thầy với cái non yếu của trò để được xem là ngang hàng, đồng bậc.
2/ Không nhằm mà nhằm, nhằm mà không nhằm. Thầy không muốn dựa thế lực ai cả mà thầy chỉ muốn được là thầy. Thế lực có chăng là do sức mạnh nội tại, do công phu rèn luyện học tập, kinh nghiệm mà có. Thầy xem học trò như con, em mình thì không có việc ỷ lớn hiếp bé, cậy thế lấn cô được. Thầy hướng dẫn dạy dỗ, là muốn cho học trò nên người hữu ích cho xã hội, cho đạo pháp mai sau. Không có ông thầy nào lại có tâm muốn làm hại trò bao giờ, cho dù là một việc nhỏ. Vì đó là điều trái hẳn với thiên chức nhà mô phạm, của một thiền sư thấu hiểu Phật lý.
3/ Hễ đã gọi mộng là không thực rồi. Làm thế nào để gặp được thánh nhân trong hoàn cảnh mà tâm không tỉnh thức, không có được sự kiểm soát như thế. Thầy có tài gì để làm sống dậy những vị Thánh thời xưa? Như vậy trò lại càng vô phương không đủ sức hay tầm cở cộng thông được với cõi giới vô hình. Cả thầy và trò đều phạm lỗi lộng ngôn xa rời thực tế, chúng ta khó có thể chấp nhận được trong thời đại khoa học ngày nay.
4/ Ðể làm sáng tỏ vấn đề. Ở đây xin dẫn câu chuyện qua cuộc đối thoại của thầy Na Tiên Tỳ kheo và vua Di Lan Ðà về cuộc đối thoại của bậc vương giả và hiền giả sau đây:
Vua hỏi:
– Bạch Ðại đức, trẫm muốn hầu chuyện với Ðại đức về những điểm khó hiểu trong kinh điển và về đạo lý nói chung, chẳng hay tôn ý có hoan hỷ doãn nặc cho chăng?
– Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện thì bần tăng xin vui lòng đối đáp – Còn nếu Ðại vương đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện thời bần tăng sẽ không có gì để đối đáp lại hết. (Ý nói: không thể có đối thoại trong điều kiện như thế)
– Ðứng trên tư thế của một hiền giả mà nói chuyện là thế nào?
– Tâu Ðại vương, hiền giả trong khi nói chuyện vừa tự dò xét lấy mình lại vừa soi sáng cho kẻ đối thoại một cách nhiệt thành. Trong câu chuyện, dù đối phương viện dẫn những lý lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, hiền giả vẫn không bao giờ móng tâm buồn giận bứt rức, không hề lấy việc thắng bại làm điều, và tự biết rằng trong đó ai cao trổi hơn, ai có trí tuệ nhiều hơn. Nếu gặp phải một đối phương quắc thước già dặn và có tài hùng biện, hiền giả cũng không vì thế mà tìm đường cản ngăn hay áp đảo bằng cách đuổi kẻ kia ra khỏi chỗ ngồi hoặc dùng xảo thuật luận lý mở trói trói mở để thủ thắng cho kỳ được. Tâu Ðại vương, đó là cách nói chuyện của hiền giả.
– Còn đứng trên tư thế của một vương giả mà nói chuyện là thế nào?
– Tâu Ðại vương, vương giả trong khi nói chuyện thì thường hay dùng quyền thế mà áp đảo kẻ đối thoại, buộc kẻ kia phải chấp nhận quan điểm một chiều của mình. Nếu kẻ kia bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì các ngài chẳng ngại ngùng gì mà chẳng giáng chỉ bắt tội và hành phạt để nêu cao uy quyền riêng của mình, bất chấp cả lẽ phải và công bằng tối thiểu đối với người. Quyền uy mà các ngài hằng ngày thường xử dụng, tiêm nhiễm lâu năm thành thói quen, khiến các ngài chỉ muốn lấn lướt kẻ khác và không chịu để ai lấn lướt mình trong bất cứ trường hơp nào. Các ngài luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự cao tự đại gắn liền với uy quyền, nên chẳng nhận ra sự hơn kém trong lý lẽ viện dẫn của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đang thảo luận. Chính cái thái độ trịch trượng, một chiều, điên rồ và nguy hiểm ấy đã là nguyên nhân bít lối đối thoại giữa đôi bên, chặt cầu cảm thông giữa đôi bờ. Tâu Ðại vương đó là cách nói chuyện của vương giả. (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, tr.34-36, Cao Hữu Ðính, Minh Ðức xb,1971)
5/ Sao không nghĩ thêm câu “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”. Và cứ như vậy, đời sống là một trường đấu tranh liên tục không ngừng. Ta chỉ mong được là mình mà không muốn hơn kẻ khác. Vì người cao còn có kẻ cao hơn nữa ngự trị, khống chế. Phải chăng đây là trò đời muôn mặt mà mỗi người phải đóng vai đào, kép, luôn thay bậc đổi ngôi như thay quần áo. Không, câu tục ngữ không thích hợp với câu chuyện nói trên.