Người đời gặp phải thời ly loạn, trốn chạy vào những nơi núi sâu, đồng trống, nguy cấp đủ điều. Xa trông cờ chiến tung bay, ắt đến lúc mẹ con ly tán; vẳng nghe trống trận vang rền, ắt rụng rời kinh hồntáng đởm. Những cảnh lưu lạc chia lìa đảo điên như thế, tuy là vận mệnh chung của cả đất nước, nhưng cũng không ngoài sự chiêu cảm nghiệp riêng của mỗi người.
Thiền sư Từ Thọ có bài kệ rằng:
Người đời thường giết hại,
Nên thọ nghiệp chiến tranh.
Giết hại, phải đền mạng,
Cướp của, bị cháy nhà.
Nay vợ con ly tán,
Do đào hang, phá tổ.
Hãy lắng nghe Phật dạy:
Nhân quả đều tương ứng.
Theo đó mà xét thì bất kể là tự mình gặp họa sát thân hay nhà tan cửa nát, hết thảy đều do nghiệp đã tạo từ trước. Thậm chí những chuyện nhỏ nhặt như chảy máu ngón tay hay đánh mất một cây kim, cho đến phải chịu sự khiếp sợ trong giây lát, không một chuyện gì lại không do nhân đã tạo từ trước.
Nay rộng khuyên hết thảy người đời, khi gặp cảnh chiến tranh loạn lạc, nên hồi tâm tự xét lại rằng: “Ta nay còn chưa bị buộc trói mà đã hốt hoảng khiếp sợ thế này, thì những con vật lúc bị trói chặt [chờ đem giết thịt] sẽ hốt hoảng khiếp sợ đến mức nào? Ta nay gia đình thân quyến vẫn chưa bị chia cách mà đã thê lương thảm hại thế này, thì những con vật lúc bị phân cách, mẹ con ly tán sẽ thê lương thảm hại đến mức nào? Ta nay tay chân chưa bị cắt xẻ mà đã đau đớn khổ sở thế này, thì những con vật lúc bị chặt xương lóc thịt, cắt xẻ phân thây sẽ đau đớn khổ sở đến mức nào?”
Tự suy xét như vậy rồi thì đối với bao nhiêu nghiệp giết hại trong quá khứ đều thành tâm niệm Phật, cầu cho những con vật bị mình giết đều được siêu thoát, đối với sự giết hại trong tương lai thì quyết tâmdứt trừ không tái phạm.
Suy xét và phát tâm được như thế thì đời sau nhất định được sinh vào thời đại thái bình, không phải chịu cảnh tao loạn. Ví như có sinh vào thời loạn, cũng không phải sinh vào những vùng có chiến sự. Đó chẳng phải là phương cách tốt nhất để né tránh tai nạn đó sao? Nên biết rằng, dù trốn lên núi cao hay chạy xuống biển sâu, cũng đều không phải kế vẹn toàn. Cho nên, người xưa có dạy rằng:
Muốn cho thiên hạ thái bình,
Phải ngưng ăn thịt chúng sinh các loài.
Quả báo giết hại, gặp nạn binh đao
Vào đời vua Tống Huy Tông, giặc ngoại xâm từ phương bắc thường đánh vào Trung Nguyên, đi đến đâu cũng đốt phá, giết hại dân thường. Tuy nhiên, chỉ thấy riêng một trấn An Dương là bị giết hại tàn phá thê thảm nhất.
Về sau có một vị tăng tu tập định lực cao thâm, có thể quán chiếu rõ biết nguyên nhân sự việc. Dân chúng nhiều người thưa thỉnh, vị ấy liền nhập định quán chiếu rồi nói: “Dân vùng ấy trước đây tạo nghiệp giết hại rất nặng, nên nay chiêu cảm nghiệp báo phải bị giết hại thê thảm cũng chính tại nơi ấy. Nhưng nghiệp báo đến nay chưa dứt, e rằng toàn dân vùng ấy vẫn còn chưa được an ổn.”
Sau đó liên tiếp nhiều năm binh lửa, người dân vùng ấy nhiều lần bị thảm sát, quả nhiên cuối cùngkhông một ai sống sót.
LỜI BÀN Người đời thấy kẻ chài lưới bắt được con cá to thì vỗ tay tán thưởng, đâu biết rằng đang kết thêm một mối oán cừu. Nhìn thấy con vật bị bắt mà khởi lòng thương xót lập tức tìm cách giải cứu, e rằng vẫn còn không kịp, huống chi lại còn tán thưởng, ưa thích? Tán thưởng việc ấy là ngợi khen sự giết hại; ưa thích việc ấy là vui mừng với sự giết hại. Dùng trí tuệ mà quán xét thì đó đều là những hạt giống gây nạn binh đao về sau.
Nguồn: thuvienhoasen.org