Cho đến nay, niên đại và địa điểm của Phật giáo du nhập vào Việt Nam vẫn còn cần được tiếp tục nghiên cứu. Song với những chứng cứ từ các tư liệu do Giáo sư Lê Mạnh Thát dẫn ra, cho thấy Phật giáo du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ thế kỷ II trước công nguyên, từ câu chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương thứ 3 được đề cập trong Lĩnh Nam chích quái, Chử Đồng Tử được học đạo với nhà sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên.
Chùa Tây Thiên ở thành Nê Lê thuộc huyện An Định, tương truyền thành do vua Asoka xây dựng và có quan hệ với đoàn truyền giáo của nhà sư Sona và Uttara do vua Asoka phái đi, đã đến thành này. Sau lần kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba, với sự ủng hộ của vua Asoka, Phật giáo đã cử 9 đoàn đi truyền giáo khắp các nơi trong và ngoài nước Ấn Độ. Đoàn truyền giáo này đi sang các nước vùng Kim Địa (bao gồm Myanmar, các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, và một phần Malaysia)… vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Khi đến Việt Nam, công chúa con gái vua Asoka cho xây dựng thành Nê Lê và tháp A Dục để đánh dấu nơi đến. Thành Nê Lê ở Hải Phòng hay ở huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc? Điều này còn cần được xác minh thêm bằng các cuộc khai quật khảo cổ học trong thời gian tới.
Vùng đất Giao Châu trước kia, với trung tâm Luy Lâu, được xem là một trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội quan trọng, trong đó Phật giáo có một vai trò quan trọng với ngôi chùa đầu tiên tại đây còn được biết đến và nhắc đến, là chùa Dâu, còn gọi Pháp Vân Tự, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Như vậy, cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, theo các nguồn tư liệu nêu trên, được đặt tại đâu? Có thể là tại huyện Tam Đảo? Điều này vẫn chưa chắc chắn.
Nhưng vừa qua, căn cứ vào một số nội dung vừa nêu, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đứng ra xây dựng trên nền chùa cổ Thiên Ân thiền tự, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, một thiền viện mới mang tên Trúc Lâm Tây Thiên, nhằm đánh dấu nơi chốn tổ, có dấu chân các thiền sư ở Tây Thiên (Tây Trúc) sang hoằng hóa. Tên gọi Tây Thiên nhằm chỉ nước Ấn Độ để phân biệt với Đông Độ, chỉ nước Trung Quốc.
Theo một bài kệ truyền pháp, thiền sư Vô Ngôn Thông có nói:
…
Gốc ở Tây Thiên
Truyền kho pháp nhãn
Được gọi là “Thiền”.
Như vậy, từ cơ sở này, Hòa thượng Thích Thanh Từ cho rằng: Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, mặc dù trước đó có thể có một vài nhà sư người Ấn đến nước ta tu hành truyền đạo, ban đầu sống ở một nơi nào đó có đồi núi thấp, sau khi đến vùng Vĩnh Phúc gần kinh đô nước Văn Lang, dân cư đông, lại có Tây Thiên cảnh trí đẹp, núi non thâm u hùng vĩ, giống cảnh Phật (Tây Thiên) ở Ấn Độ, nên các ngài dừng chân tại đây để hành đạo.