Hỏi:
Bậc Thánh và phàm phu có phải hai thứ chăng?
Đáp:
Vốn không có hai, tại sanh bệnh giả nên mới có hai, chứ không phải bệnh thật, nếu bệnh thật thì trị không được.
Bây giờ không có cái gì để xả, không cái gì để tu. Như nói tâm như hư không, vậy hư không làm sao tu? Do mình có tâm chấp nên không ứng dụng được bản tâm. Nếu mình không còn có cái gì để chấp thì bản tâm tự hiện.
Computer dùng năng lượng của tâm làm ra rất hay, nhưng người ta không nhìn nhận là của tâm. Tâm vốn trống rỗng, nhưng phải nhờ cái trống rỗng để dùng. Mình ăn cơm mặc áo đều phải nhờ cái này, nhìn nhau nói chuyện với nhau đều phải nhờ cái trống rỗng này. Cái trống rỗng này là thực tế mình đang dùng, nhưng tại mình không chịu nhìn nhận, lại muốn tìm lý lẽ cao siêu.
Hiểu biết của bộ óc muốn tìm sự bắt đầu. Giả sử có bắt đầu thì bắt đầu phải có chỗ là không gian, có lúc là thời gian. Vậy trước thời gian có bắt đầu hay không? Không thể nói trước bắt đầu không có thời gian. Nếu nói trước bắt đầu còn có thời gian thì không phải bắt đầu. Do mình chấp thật nên mới mê.
Theo sự hiểu biết của mình để truy cứu cũng không thể có nghĩa lý bắt đầu. Như con người không có bắt đầu tức là không có đời thứ nhất thì không có đời thứ nhì và không có đời thứ ba,… cho đến muôn tỷ đời mình, vậy từ đâu mà có vậy? Tại tâm chấp của mình mới thành lập cái ta này, mới dùng cái ta này để hiểu biết cái này cái kia.
Nhưng cái này cái kia đều không có sự bắt đầu, tức là lấy cái gì để hiểu? Cái năng hiểu là ta cũng không có sở hữu, vạn vật cũng không có sở hữu. Vì không có bắt đầu thì vạn vật cũng không có.
– Cuối đời nhà Minh có vua Vạn Lịch người đẹp trai, thông minh; năm 19 tuổi, ông đến Phật Hưng Tự thọ giáo với Sư Đại Trì, rồi Sư đặt cho ông pháp danh Hải Minh.
Một hôm, Hải Minh nghe giảng kinh Lăng Nghiêm đến câu: “Tất cả chúng sanh chẳng biết chân tâm thường trụ, bản tánh thanh tịnh sáng tỏ. Vì dùng vọng tưởng nên mới thấy tất cả có luân hồi”. Ông nghe rồi cứ phát nghi hoài, không thể hiểu được, nên mới đi hỏi các vị tôn túc, mà các vị cũng không giải quyết cái nghi ấy.
Ông quyết tâm trong 7 ngày phải ngộ mới được, đến ngày thứ 5, ông ngồi tham thiền chỗ cao trên núi, phía dưới vực thẳm; vào lúc 2 giờ, ông đến giai đoạn người với cảnh đều quên, trước mắt chỉ thấy thế giới bằng phẳng, ông lại rơi xuống vực thẳm, chân trái bị thương thì cái nghi trước kia tan rã. Ông lớn tiếng nói: “Oan uổng! Oan uổng!”, tức là đã ngộ rồi, mà ông hạn chế 7 ngày, nhưng chưa đến 7 ngày thì đến ngày thứ 5 được ngộ.
– Phật Đăng Thuần phát nguyện không ngồi, không đứng chỉ đi đến khi nào ngộ mới thôi. Đi đến lúc rất mỏi mệt, dựa vào vách tường không biết. Khi thức dậy tự mình trách mình và đánh mình, ông đi không gần vách tường cho đến chân sưng, được 49 ngày thình lình ngộ.