Anh Hùng Giả Chết

Lời dẫn: Một cô gái mặt rỗ, sẹo lồi lõm nhưng khéo trang điểm thì giống như một cô gái xinh đẹp. Một chàng trai què chân cưỡi ngựa phi nhanh, khác nào một trang nam tử khôi ngô tuấn tú. Một người mù đeo kính đen, nhìn qua giống như người bình thường. Một kẻ giả làm bậc quân tử đi giúp đỡ mọi người, nhưng ai biết hắn đang tính toán âm mưu gì? Muôn sự ở thế gian, con người khéo che đậy, nhất thời mọi người chưa biết được; nhưng đường xa mới biết ngựa hay, sống lâu hiểu rõ lòng người. Con người chỉ che giấu trong chốc lát, không thể che giấu mãi mãi; khi bại lộ sự việc khó mà tránh khỏi tai họa. Vì thế, chúng ta có bao nhiêu tài năng, làm bao nhiêu việc tốt, không cần khoe khoang cho mọi người biết, đó mới là chính nhân quân tử.

Ngày xưa có một kị sĩ rất thích cưỡi ngựa, nhìn tướng mạo bên ngoài, hắn có chút uy phong lẫm liệt. Nhưng thật ra, hắn chưa học qua võ thuật mà lại đi khoác lác xưng ta là anh hùng vô địch trong thiên hạ. Lúc đó, trong thôn thường bị bọn giặc cướp rừng xanh lộng hành, làm cho nhân dân trong thôn đều rất sợ hãi; ai nấy đều lo sợ bọn chúng xông đến nhà mình. Vì thế, thôn trưởng liền mời các vị anh hùng để chỉ huy dân chúng đánh bọn giặc. Gã thanh niên này hùng hồn tuyên bố: “Có gì mà sợ, tôi sẽ đánh bọn chúng tan tác tả tơi”.

Một đêm, hắn chỉ huy một đội dân làng, xông thẳng vào sào huyệt của bọn địch. Nhưng đi giữa đường thì chạm trán bọn chúng, bọn chúng sắp đột nhập vào thôn để cướp bóc. Hắn liền hô lớn: “Nào các anh em! Xung phong…Chúng ta hãy giết sạch bọn cướp này”. Nhưng hắn lại sợ hãi lén lùi lại phía sau để mọi người xông lên; nhưng bọn thổ phỉ chém càn tiến lên phía trước, không để mọi người chống đỡ. Hắn đành phải giả té xuống ngựa, nằm giả chết trong đống tử thi. Khi trận chiến kết thúc, hắn chặt đuôi một con ngựa chết, trở về thôn nói với mọi người:

– Trong đêm tối đánh nhau với bạn cướp, bị tan rã hàng ngũ; chỉ còn mình tôi đuổi giết bọn cướp, bọn cướp bắn chết ngựa của tôi, nên tôi không thể đuổi theo bọn chúng, đành phải chặt đuôi con ngựa yêu quý đem về.

Trong đó, có một thanh niên hỏi:

– Thủ lĩnh! Khi xuất phát, ngựa của ông màu trắng; vì sao ông lại đem về đuôi ngựa màu đen?

Hắn ấp a ấp úng không trả lời được. Mọi người mới biết hắn chỉdanh hư bề ngoài, thực chất không có tài cán gì, lại rất sợ chết.

Kẻ giả tài giỏi, giả quân tử, giả anh hùng; cuối cùng cũng bị mọi người biết rõ. Việc gì phải chuộng chút sĩ diện một lúc, mà bị mọi người xa lánh mãi mãi?

Bài học đạo lý

Kẻ giả tài giỏi, giả tài năngthế gian này rất nhiều, nhưng đầu óc chúng rỗng tuếch, chẳng có chút hiểu biết. Có kẻ quê mùa dốt nát lại làm ra vẻ dân trí thức. Người thạo nghề vừa bắt tay làm thì biết giỏi hay không. Người có học vấn, hiểu biết, nhân cách, khi nói năng, hành động, ứng xử đều thể hiện ra bên ngoài. Chúng ta không thể đánh giá con người qua hình tướng. Nhưng khi họ nói chuyện, làm việc, hành vi ứng xử thể hiện ra chúng ta đánh giá được họ. Để đánh giá nhân cách, đạo đức, học vấn của mỗi người, theo Khổng Tử nói: “Nhìn hành động của người mà biết được động cơ của họ; nếu người quán sát như vậy thì cái giả làm sao giấu được!” .

Chúng ta sống gần một, hai ngày với mọi người không biết nhân cách, đạo đức và thiện ác của họ. Nhưng “sống lâu hiểu rõ lòng người, đường xa mới biết ngựa hay”. Cho dù chúng ta có khéo giả dối che đậy, nhưng một ngày nào mọi người cũng sẽ biết rõ. Cho nên làm người phải sống chân thật. Làm việc phải thật thà ngay thẳng. Nhưng đáng tiếc thay! Mọi người luôn chuộng sĩ diện, thích danh lợi mà đánh mất sự chân thật. Bậc Cổ đức dạy: “Người thành tựu thực tế thì có danh tiếng tương ưng”. Chúng ta cũng có thể nói: “Người thành tựu thực tế thì có danh lợi tương ưng”. Như thế, mê muội lừa dối mọi người; hoặc giả làm anh hùng; cuối cùng tự mình chuốc lấy hủy nhục. Nhưng vì sao ở đời kẻ giả làm quân tử nhiều như thế? Đều chỉ vì một chút sĩ diện mà thôi.

Một cân thể diện đáng giá bao nhiêu tiền? Có người cố chấp tốn rất nhiều tiền để tranh giành sĩ diện; thậm chí có người liều thân mạng quý báu để giành bằng được sĩ diện; cãi nhau, đánh nhau, kéo nhau ra tòa án cũng vì sĩ diện. Nước này với nước kia, nhà này với nhà nọ, người này với người kia đánh chiếm, tranh giành nhau cũng đều vì sĩ diện. Con người vận động vốn là rèn luyện sức khỏe, cho nên vận động quanh năm suốt tháng; ngày nay lại trở thành vấn đề thi đấuthể diện.

 Cổ đức dạy:

Nghèo ở phố thị không an biết

Giàu sống rừng sâu có kẻ tìm.

. Đó là vì vinh hoa phú quý; hoặc vì dân phục vụ; hoặc tranh giành vì sĩ diện. Chúng tôi nghĩ đều có đó nhé! Đặc biệt là thể diện rất quan trọng. Vì thế, có người “không thể để lại tiếng thơm trăm đời mà để lại tiếng xấu vạn năm”, đều là vì chuộng sĩ diện. Từ xưa, những kẻ đại gian ác cũng là vì chuộng sĩ diện. Trong tôn giáo có người vì chuộng sĩ diện mà tung ra những chiêu thủ đoạn, phao tin đồn nhảm, dọa dẫm, lừa gạt mọi người. “Lỡ bước một phen thành mối hận nghìn đời”, cũng vì chuộng sĩ diện. Như vậy, vấn đề chuộng sĩ diện làm hại mọi người rất nhiều.