Lời dẫn: Ánh điện dễ tắt, lửa đá xẹt nhanh, nước chảy ra biển cả, hoa nở thì hoa tàn. Nhân loại hàng ngày cũng thường nói với nhau, tuy lời nói gió bay nhưng điều tốt, xấu lưu lại trong lòng người. Cổ đức dạy: “Nói nhiều lỗi nhiều”. Ai cũng biết nói, nhưng khi nói thường mắc phải sai lầm; hoặc nói lỗi lầm của người khác; hoặc phê bình họ, xảy ra nhiều chuyện phiền phức. Mỗi người đều có thể phê bình người khác, và cũng bị người khác phê bình lại mình; nhưng ai cũng sợ người khác phê bình mình.
Thuở xưa có một vị vua rất sợ người khác phê bình mình; cho nên, vua rất căm ghét những người nói chuyện đúng sai của mình. Vì vua là bậc đứng đầu trong nước, cho nên tùy tiện đặt ra những điều trong pháp luật, có thể khép tội người phải chết. Đây chính là khuyết điểm của thời đại chuyên chế. Mặc dù vị vua này thường giết những người dám nói chuyện đúng sai của ông ta, nhưng nhân dân không sợ vẫn cứ nói. Có người dám nói xúc phạm vua rồi chịu chết chứ không thể im lặng. Do đó, người nói chuyện đúng sai của vua ngày càng nhiều.
Một hôm, khi vừa bãi triều, vua rình sau bức rèm lén nghe các đại thần phê bình mình. Có người nói: “Ông vua này là hôn quân bạo tàn vô đạo, so với loài thú dữ càng ghê gớm hơn”. Vua nghe đại thần nói nổi giận đùng đùng, giống như thú dữ điên cuồng, giận dữ nhìn các đại thần. Nhưng lúc đó, các vị đại thần đã đi nơi khác rất nhiều, chỉ còn lại vài vị lão thần lớn tuổi. Trong cơn thịnh nộ, vua không biết rõ thủ phạm là ai, chỉ nghe theo lời sàm tấu của kẻ tiểu nhân bên cạnh. Vua liền hạ lệnh bắt ngay một lão thần tra khảo và cắt hơn mười cân thịt trên thân ông, mới hạ cơn phẫn nộ lôi đình, làm cho lão thần đau đớn chết đi sống lại. Trải qua vài ngày, nhà vua điều tra sự việc rõ ràng, vua biết lão thần không có nói nên vô cùng áy náy, liền bồi thường cho lão thần này một trăm cân thịt, nhưng lão thần vẫn rên rỉ đau đớn. Vua nói:
– Trẫm chỉ cắt khanh mười cân thịt, nay bồi thường lại một trăm cân không đủ hay sao?
Lão thần mệt mỏi hỏi:
– Nếu như bệ hạ bị người khác cắt mất một cái đầu, rồi họ đền lại một trăm cái đầu; ngài có đồng ý không?
Vua hét lên:
Khi vua hiểu rõ đạo lý này thì lão thần từ từ trút hơi thở cuối cùng.
Bài học đạo lý
Có khi, chúng ta đưa ra ý kiến sai lầm trong nhất thời, hoặc tạo tội nghiệp. Sau đó, cho dù có hối hận nhưng đã muộn. Vì thế, chúng ta phải học Phật, tu học trí tuệ mới hiểu rõ đúng-sai, tà-chánh, thiện-ác sẽ không tạo nghiệp làm ác; nếu không thì, khi báo ứng đến có hối hận cũng không kịp. Mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm. Người có chút ưu điểm thì luôn khoe khoang, muốn mọi người ca ngợi mình; còn có khuyết điểm thì che dấu không muốn cho ai biết; lại thích nói chuyện thị phi của người khác và phê bình khuyết điểm của họ. Cho nên, chuyện thị phi ở thế gian rất nhiều.
“Mạnh hiếp yếu”, “ cậy thế ức hiếp người”, làm cho người yếu, người ngu chịu hàm oan nuốt hận, cũng là chuyện thường tình ở thế gian. Khiến cho con người nhiều đời, nhiều kiếp oan gia đối đầu tìm cách báo thù lẫn nhau, là khổ báo sinh tử xoay chuyển không ngừng.
Cổ đức dạy: “Có lúc sao sáng, có lúc trăng sáng, gió nước theo sự di chuyển”. Khi có tiền, có thế lực không thể suốt đời. Nhưng con người vẫn mong muốn ai ai cũng kính phục mình, nói ra một câu ai nấy đều vâng theo, không muốn ai cãi lại câu nào. Người thấp hèn, người yếu đuối chỉ biết nói lén sau lưng vài câu bất bình cho hả dạ; nhưng họ thường chuốc họa vào thân. Lòng oán hận như thế, ngày tháng dồn chứa, khí oán thù đầy khắp vũ trụ, nhân duyên thành thục nhất định có báo ứng. Cho nên, thế gian mãi mãi không có cuộc sống bình yên.