Khắc Dấu Dưới Nước

 Lời dẫn: Thế gian có rất nhiều việc mà mọi người cho là sự thật. Nhưng trên thực tếnhận thức sai lầm mà theo thói quen cho là đúng; hoặc tự mình sai lầm mà không biết được. Như ngày xưa con người cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, trên thực tế là trái đất xoay quanh mặt trời. Khi chúng nhìn thấy con đường quốc lộ, hay đường sắt ở trước mặt, nhưng khi cách xa thì con đường càng nhỏ, trên thực tế con đường vẫn như vậy. Ban đêm, chúng ta nằm mộng thấy rõ ràng có nhà cửa, có con đường, có những người nào đó và cũng có xảy ra những sự việc; nhưng khi tỉnh dậy chẳng thấy có việc gì.

Chúng ta sống ở thế gian này, cũng giống như nằm mộng, chẳng có vật gì là thật. Nhưng trong ý thức hoặc cảm nhận của chúng ta mỗi sự việc đều là thật. Vì cảm nhận sai lầm nên gây ra sự đau khổ và tạo nghiệp suốt một đời; đây là chúng sinh bị mê hoặc.

Ngày xưa có một thương nhân muốn vượt biển ra nước ngoài để mua bán. Lúc đó, chưa có máy bay, đi thuyền cũng chưa có máy móc như ngày nay, chỉ giương buồm mà đi; cho nên không may gặp sóng to, gió lớn là việc rất nguy hiểm. Thương nhân này vì muốn kiếm tiền lời nhiều, nên không tiếc thân mạng, mạo hiểm vượt biển để đi buôn. Một hôm, thuyền đang chạy ra giữa biển. Lúc đó, hắn đang đứng trên mũi thuyền ngắm nhìn phong cảnh, vì sơ ý nên đánh rơi xâu chuỗi ngọc xuống biển. Hắn muốn lặn xuống nước để tìm xâu chuỗi, nhưng vì đi cho kịp nên liền khắc dấu một đường lằn sóng dưới nước để nhớ. Khi trở về, hắn có thể nhờ dấu khắc này mà biết chỗ vớt xâu chuỗi lên cũng không muộn; vì thế, hắn vội giương buồm chạy.

Thời gian trôi qua rất nhanh, thoáng chốc đã qua hai tháng, khi trở về hắn tìm dấu khắc, vẫn tìm không được, thật không dễ gì tìm được lằn sóng, hắn chạy tìm xuôi ngược, nhưng làm sao tìm được. Người bên cạnh nói: “Mặc dù đường lằn sóng nước giống nhau, nhưng mỗi chỗ khác nhau. Làm sao tìm được?”

Bài học đạo lý

Mỗi người đều có quan niệm. Người thông minh có quan niệm của người thông minh. Người ngu si có quan niệm của người ngu si. Ngoại đạo có quan niệm của ngoại đạo. Trong Phật giáo, mỗi người hiểu Phật pháp cũng không giống nhau. Quan niệm có chánh có tà. Cổ đức dạy: “Chọn điều thiện mà giữ”. Nếu chúng ta quan niệm chính pháp là trợ giúp tu hành giải thoát; còn quan niệm tà kiến thì hại không biết bao nhiêu người rơi vào pháp tà, có làm việc cũng uổng công vô ích.

Người thông minh trí huệ nhạy bén, nếu cố chấp quan niệm không chịu học hỏi và không tiếp nhận ý kiến hữu ích thì thường chấp sai cho là đúng, chấp tà cho là chánh; hoặc mưu mô xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản của người khác, nhất định tương lai họ sẽ bị đọa. Người ngu kiến thức hẹp hòi, đem tâm tiểu nhân đo lòng quân tử thì sai lầm nhiều. Nếu họ khiêm tốn thỉnh giáo thiện tri thức, cũng được hưởng là người có phúc. Ngoại đạo chấp tà kiến, vào trước là chủ, khăng khăng không nhận sai lầm, chắc chắn đọa vào đường tà, thật là đáng thương.

Phật pháp có tám vạn bốn nghìn pháp môn, vì theo căn cơ của mỗi người mà Đức Phật thuyết pháp. Có người tự cho mình đúng, người khác sai; hoặc bài trừ những điều khác mình; hoặc khăng khăng cố chấp cho mình là đúng, đều là tôn sùng quan niệm của mình.

 Có người sáng thế này, chiều thế khác tu hành xen tạp. Tuy họ không có kiến chấp nhưng vẫn là người không được thành tựu, giống như một khoảnh đất gieo nhiều loại hạt giống. Chúng ta có thể thu hoạch được nhiều trái cây không? Chúng ta tinh tiến tu hành cũng phải có mục tiêu, chỉ chuyên tu hành một pháp môn thật sự thì mới đạt được thành tựu. Vì thế, xả bỏ quan niệm không phải là người không có chủ kiến, mà phải khiêm tốn nghiên cứu, cầu thỉnh thiện tri thức chỉ dạy. Sau đó,chúng ta chọn pháp môn thích hợp căn cơ của mình rồi bắt đầu tu, phải thấy được trí huệ và thiện duyên của mình.