Chiến Công Lớn Nhất

Hạnh Đoan

Ngày xưa, có một thanh niên thông minh mẫn tiệp, bất kể là học nghề gì, chỉ liếc mắt ngó sơ qua là rành ngay. Còn muốn tập môn gì, luyện chừng ba lần là đã thành thạo.
Đến hai mươi tuổi, anh am tường hết các môn học, mọi kỹ thuật. Thấy mình giỏi không ai sánh kịp, anh tuyên bố:
– Cái gì trong thiên hạ, tôi cũng đã học hết. Nếu như còn ai có gì mà tôi chưa học, tôi xin bái làm thầy ngay!
Và nếu có bái sư, thì chẳng bao lâu anh lại giỏi qua mặt, vượt trội cả thầy. Từ thiên văn, địa lý, y thuật cho đến cắt may, ẩm thực, ca vũ… thậm chí đánh bài, chơi cờ, âm nhạc… không có môn nào mà anh không thông. Nhờ hơn thầy nên anh nổi danh là bậc kỳ tài.
Một hôm soi gương, anh thán phục tự khen mình:
Thiên tài vượt trội và ăn đứt thiên hạ như ta đây, chẳng cần phải học gì nữa. Song là bậc trượng phu phải vân du bốn biển tìm người thi tài, đánh bại các bậc thầy trên thế gian, vậy mới lưu danh thiên cổ, tiếng thơm đồn khắp…
Thế là anh du hành khắp nơi, đến đâu cũng so tài và luôn giành phần thắng. Danh tiếng nổi như cồn, tưởng như trên đời chẳng còn ai kham làm đối thủ của anh. Anh đến nơi nào, sư phụ nơi đó đều giải nghệ, không dám xưng thầy.
Điều này càng khiến anh tự phụ, nhủ thầm:
Không lẽ trên thế gian này chẳng còn ai đánh bại ta?
Ngày nọ, thiên tài tản bộ tìm người t thí thì bỗng thấy Phật ôm bát đi trên đường.
Anh ngạc nhiên chạy đến hỏi:
– Tôi đi khắp thiên hạ, chẳng thấy ai ăn mặc lạ lùng và ôm bát đi lang thang như thế này, Ngài là ai?
Phật hỏi anh ta:
– Anh muốn biết về Ta để làm gì?
– Tôi thạo tất cả… không gì mà không biết. Hiện tôi đang vân du thế giới, đi khắp nơi tìm người so tài, đến giờ chưa có ai thắng được tôi.
– Một người dù trăm trận trăm thắng, vẫn thua xa người một lần thắng mình. Giả như anh có thể đánh bại tất cả, thử hỏi tài này dùng vào đâu nếu chưa thắng được mình? Cho dù anh được công nhận là vô địch thiên hạ, kỳ tài bậc nhất nhưng nếu những dục niệm, những tham muốn trong lòng mà anh chưa từng nhận biết và không thể khắc chế thì anh vẫn là một kẻ phóng đãng, tối ngày chạy Đông rảo Tây, chẳng có gì đáng tự hào! Ta chỉ là người điều phục thân tâm mình, không quan tâm đến việc thi đấu, nên không thi đấu với anh làm gì. Song, nếu anh muốn thử thắng mình một lần, Ta sẽ bày cách cho.
Nghe Phật nói, nhà thiên tài bỗng chấn động. Xưa nay anh mãi tìm người tranh hơn thua, có biết điều phục mình là chi đâu? Anh nào có để ý dục niệm đang diễn biến hay tác quái trong tâm mình như thế nào?
Anh cảm phục, bái Phật làm thầy, nỗ lực điều phục thân tâm. Sau đó có người gặp anh, kinh ngạc hỏi:
– Có phải anh là người từng đánh bại các bậc thầy không vậy? Giờ vì sao lại “gác kiếm”, không tìm người thi tài nữa?
Anh đáp:
– Tôi lo điều phục thân tâm mình còn không đủ thời gian, rảnh đâu mà tìm người tranh hơn thua.

(Phỏng theo Truyện tích Phật giáo)
—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Nếu ta đòi cuộc sống mình không bao giờ có thất bại là điều không thể… Nhưng nếu ta sống ưa đấu đá, luôn thích tranh giành hơn thua với người, dù là tranh một cách vi tế thì ngay khi khởi tâm ấy đã là thất bại rồi.
Phật thường nói: “Kẻ thắng thì tự mãn, người thua ngủ không yên. Thua thắng chẳng để lòng, tâm tư hằng an lạc”. Nhưng Phật cũng ca ngợi người thắng được mình: “Người thắng được mình, chiến công còn oanh liệt hơn kẻ thâu thành cướp lũy”.
Tinh túy cuộc sống nằm trong việc điều phục mình. Ai thắng được mình, người ấy sẽ nếm được mùi vị hạnh phúc.