Cho Và Nhận

Xưa, ở làng nọ có một ông lão rất nghèo,  sống nhân đức, thấu hiểu nhân tình thế thái. Một hôm tuyết lớn, ông đến nhà phú hộ trong làng vay tiền. Gặp may hôm đó phú hộ đang vui, sai người nhà lấy đưa cho ông hai đồng bạc trắng, lại còn bảo: “Cầm lấy mà tiêu! Không cần trả lại!”.

Cụ mừng quá, cám ơn ông phú hộ rồi vội vội vàng vàng đút tiền vào túi đi về nhà. Phú hộ còn nói với theo: “Không cần trả!”. Sáng hôm sau, ông phú hộ mở cửa ra thấy ai đã quét hết tuyết trước sân, sau nhà và cả trên mái nhà. Phú hộ hỏi ra mới biết ông lão đã quét tuyết, chợt hiểu rằng, bố thí cho người ta đồng bạc, vô tình biến người ta thành kẻ làm công. Phú hộ tìm đến nhà ông lão, biểu ông viết giấy nợ hai đồng bạc để giữ thể diện cho ông. Đặc biệt tờ giấy nợ không ghi thời gian trả nợ.

                                                               (Theo Ba mươi sáu kế nhân hòa)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Giúp đỡ người khác là gieo phúc, tích lũy điều thiện. Thể hiện tấm lòng khoan dung nhân ái và phóng khoáng hào sảng không gì bằng sự giúp đỡ người khác. Con người là loài hữu tình, chẳng ai thấy cảnh hoạn nạn, đói nghèo, khốn khó mà không khỏi động lòng. Nhưng nếu có lòng tốt đem chút tiền bạc vật chất ra giúp người thì cũng phải biết cách khiến người nhận lẫn người cho cảm thấy nhẹ nhàng, hoan hỷ.

Ngạn ngữ có câu: “Cách cho quý hơn của cho”. Khi giúp người, đừng để họ cảm thấy là mắc nợ ta. Người cho nên vui vẻ, tự nguyện, hành động một cách hoàn toàn tự nhiên, người được giúp dù không cảm nhận được ngay nhưng dần dần về sau sẽ thấu hiểu. Ai cũng muốn có thể diện, cho dù là một kẻ ăn xin, hãy giữ cho người ta một chút thể diện thì coi như đã tặng họ món quà quý giá nhất. Trên bến xe, quán ăn, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh rất đẹp, hồn nhiên vô tư của những cô bé, cậu bé cầm tiền bằng cả hai tay, cúi đầu kính cẩn trao cho những người hành khất đói nghèo bằng câu nói vỗ về an ủi làm ấm lòng người khốn khổ: “Dạ! cháu xin gởi ông ạ!”, hoặc “cháu chỉ có chút đỉnh này thôi! Xin gởi ông ạ!”.

Trong những buổi quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, ta có thể thấy được trên khuôn mặt mọi người biểu lộ tình thương yêu đồng loại với sự cảm thông sâu sắc sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ như là một bổn phận tràn đầy ý thức trách nhiệm tương thân tương ái cộng đồng. Mỗi thời khắc đi qua có biết bao biến động, tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ chưa khắc phục xong thì những cơn bão kèm theo mưa lũ liên tục tàn phá các tỉnh miền Trung…

Cuộc sống chưa ai dám chắc điều gì, hôm nay chúng ta đang sống bình an, hạnh phúc còn ngày mai chúng ta chưa biết sẽ ra sao? Bước thăng phải có bước trầm, như những nốt nhạc trong bản giao hưởng Niềm vui của Beethoven, làm cho cuộc sống thêm thi vị và bản nhạc trở thành bất hủ. Chúng ta hãy hát lên: cho và nhận. Hãy vui lòng cho đi! Hãy vui lòng nhận đi! Hôm nay chúng ta là người cho, nhưng biết đâu ngày mai chúng ta sẽ là người nhận. Có gì quan trọng đâu, dù ở vị trí nào, xin hãy nắm lấy tay nhau, nối vòng tay đệ huynh nhân ái. Khổ đau sẽ vơi đi, hạnh phúc luôn có mặt bên người cho và người nhận.

Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, không phải hễ có điều kiện sung túc, có chút dư dả là cứ bố thí, ban ân mà không cần để ý đến người được giúp. Họ là những người thiếu may mắn trong cuộc đời, rất cần được giúp đỡ tiền bạc, miếng cơm, manh áo… nhưng họ cũng rất cần nương tựa về mặt tinh thần, đó là sự cảm thông, an ủi và quan trọng  nhất là sự quý trọng của mọi người. Chúng ta khi giúp đỡ ai đó cần phải thành khẩn, thương yêu, bình đẳng để mang lại sự cao quý cho cả người cho và người nhận.