– Thừa nhận vũ trụ luận đương thời ở Ấn độ, kinh điển đạo Phật có nói đến các cõi trời và nhiều loại hữu tình cao hơn loài người (trời). Thường thường thì một tiểu vũ trụ được chia làm ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc, trong đó có 5 loài hữu tình: trời, người, thú, quỷ và loài cực khổ. Như vậy trời chỉ là một loài hữu tình gồm nhiều loại khác nhau như sáu loại của cõi dục, mười sáu hoặc mười bảy loại thuộc cõi sắc và bốn loại thuộc cõi vô sắc.
Từ loài người, nếu tu tập mười điều thiện sau đây:
1 – không sát sanh
2 – không trộm cướp
3 – không tà hạnh (hành động nơi thân)
4 – không nói dối
5 – không nói thêu dệt
6 – không nói hai lưỡi
7 – không nói thô ác (lời nói nơi miệng)
8 – không tham lam
9 – không tàn bạo
10 – không hiểu biết sai (ý nghĩ nơi tâm)
thì được sanh vào một trong sáu loài trời thuộc cõi dục. Nếu tu tập thiền quán (chưa phải là phép thiền giải thoát) như bốn phép thiền (jhâna): sơ thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền và đệ tứ thiền thì được sinh vào các loài trời thuộc cõi sắc. Nếu tu tập theo phép định (sammâpatti) như không-vô-biên-xứ-định, thức vô-biên-xứ-định, vô-sở-hữu-xứ-định và phi-phi-tưởng-xứ-định thì được sinh vào các loài trời thuộc cõi vô sắc.
Các loài trời tuy có thân hình đẹp đẽ, hạnh phúc và sống lâu hơn loài người, hoặc tiến hóa hơn về phương diện tâm linh nhưng vẫn còn trong vòng sống chết, thay đổi. Trong các cõi trời thấp, có các vị trời lãnh tụ song không phải là đấng sáng tạo.
Như vậy chữ trời, trong kinh điển đạo Phật, không hề có nghĩa Thượng đế như trong kinh điển của các thần giáo