Có Thể Hiểu Đấng Sáng Tạo Là Đức Phật Không

Dù là một Phật tử, thế nhưng tôi vẫn nghĩ đến một đấng sáng tạo ra tất cả, có quyền năng tuyệt đối, định đoạt mọi sự việc trên đời. Như thế, con người sẽ yên tâm hơn, vì có chỗ nương tựa tối cao, bền vững trong đời này và sau khi chết đi. Có thể hiểu đấng ấy là Đức Phật không? Xin giải thích thêm.

Tôn Nữ Hoài Ân, 522 D, 1bis đường Thành Thái, quận 10, T/P Hồ Chí Minh

Suy nghĩ như thế của bạn là không đúng. Đó chỉ là mong ước của bạn cũng như của rất nhiều người khác, nhưng thực sự không thể có một đấng như vậy và Đức Phật cũng không hề tự nhận Ngài là một đấng quyền năng tuyệt đối, sáng tạo và định đoạt tất cả. Qua kinh điển Phật giáo, chúng tôi xin lược trích vài lập luận sau đây:

1/ Mọi sự mọi vật đều không tự có, không do một nguyên nhân độc nhất mà do vô số nguyên nhân (nhân duyên) để hình thành. Ví dụ: Cái chén đang ở trên bàn được tạo nên bởi người thợ, bởi đất sét, lửa nung, nhà buôn, khách hàng, chuyên chở… Tức là do vô số nguyên nhân mà ta không thể kể hết được. Do đó, vũ trụ vạn vật, chúng sinh… đều do vô số nguyên nhân mà có, không thể do một nguyên nhân hay một người tạo ra được.

2/ Nếu có một vị tuyệt đối toàn hảo thì vị ấy vốn đầy đủ tất cả, không cần phải làm gì, không cần phải sáng tạo ra thứ gì cả. Ta xây nhà vì ta cần nhà để ở, ta tạo hoa màu để ăn, ta trang hoàng nhà cửa để đáp ứng đòi hỏi thẩm mỹ… Tức là ta có thiếu thốn mới tìm cách sáng tạo chứ đấng tuyệt đối toàn hảo (nếu có) thì không cần phải như thế.

3/ Nếu có một vị toàn hảo, quyền năng tuyệt đối thì tác phẩm sáng tạo của vị ấy phải toàn hảo. Chúng ta thấy đâu đâu cũng là sự bất toàn: Sự bất bình đẳng giữa các thân phận con người (giàu nghèo, sang hèn, khỏe yếu, chết già, chết trẻ…), cái xấu, cái ác, thiên tai, hỏa hoạn, đói nghèo, bệnh hoạn, chiến tranh, bạo lực, suy thoái đạo đức… xảy ra khắp nơi, liên tục. Thế giới này là không hoàn hảo, không phải là tác phẩm của một vị toàn năng, toàn hảo.

4/ Nếu có một vị toàn hảo, quyền năng tuyệt đối thì tác phẩm sáng tạo phải được hình thành ngay, hoàn tất, trọn vẹn, tuyệt hảo, tuyệt đối ổn định, không thay đổi…Tự bao giờ, hiện nay và trong tương lai vũ trụ thay đổi không ngừng, nhiều ngôi sao bị tan vỡ, nhiều hành tinh mới được hình thành, trái đất luôn biến đổi, tình hình thế giới đổi thay không ngừng… Như vậy, sự sáng tạo được gọi là của đấng toàn năng là chưa xong và không biết đến bao giờ mới xong!

Sự tin vào một đấng tuyệt đối quyền năng, quyết định tất cả mọi sự việc, theo chúng tôi, chỉ là sự mong ước được nương tựa của những người lo lắng cho số phận mình hiện nay và sau khi chết đi. Phật giáo khẳng định rằng cái chết không phải là chấm dứt sự sống mà chỉ là sự thay đổi hình thái sống. Theo lý tái sinh, ta có vô số đời sống cho đến khi được giải thoát tối hậu, đời ta là do ta quyết định. Đối với người Phật tử, trên bước đường tìm về hạnh phúc tối hậu, nơi nương tựa duy nhất là Đức Phật, Phật pháp và chư Tăng, Ni. Nhưng Phật, Pháp, Tăng vốn chung một thể, Phật vốn là cái Tâm nguyên thủy của mỗi người, tâm mình vốn là Phật. Tất cả do tâm tạo chứ không do ai khác tạo, tốt, xấu cũng do tâm. Tâm hay ý tác động mà hành động thì tạo nên nghiệp, hành vi tốt thì tạo nghiệp tốt, hành vi xấu thì tạo nghiệp xấu. Hành động được thực hiện qua thân thể, lời nói,và ý nghĩ (thân, khẩu, ý) nên chủ yếu có ba loại nghiệp: nghiệp về thân thể, về lời nói và về ý nghĩ. Như thế, chất lượng của đời ta tùy thuộc vào nghiệp mà ta đã tạo ra trong quá khứ, chính ta chịu trách nhiệm về đời ta chứ không ai sai khiến hay định đoạt đời ta hay thưởng phạt ta cả. Người Phật tử tự tin, hành trì theo lời Phật dạy mà hành thiện, phát triển tâm linh cho đến khi giải thoát tối hậu, không việc gì phải tự đánh mất mình bằng những tưởng tượng vu vơ.

http://tapchivanhoaphatgiao.com